Liêu Thanh hỏi đạo:
Kính thưa thầy Thanh Thiện,
Thật là hấp dẫn! Con đọc 2 bài thầy giảng cho La Lương và Ngọc Hạnh. Con cảm thấy thầy viết hay và rõ ràng quá! Dù rõ ràng, nhưng con vẫn có thắc mắc. Kính mong thầy chỉ dạy ạ:
1. Vua đời Đường và vua Tích Lan, họ phải biết có kinh Nikaya. Tại sao họ lại để cho nhà sư làm thêm kinh để làm gì? Nếu họ là người mộ đạo Phật thì 2 vị vua đó phải bảo vệ chánh kinh chứ?
2. Các thầy tổ đại thừa đi tu là mong được giải thoát, nhưng tại sao họ phải dìm kinh Nikaya để làm gì?
3. Xin lỗi thầy trước nhé, vì con là sinh viên trường luật, cho nên con bị méo mó nghề nghiệp. Thầy lên án gì cũng phải có bằng chứng, phải không thưa thầy? Vì vậy, để bảo đảm cho lời dạy của thầy, con kính xin thầy với bằng chứng nào cho biết rằng các sư tổ đại thừa dìm kinh Nikaya ạ!…
Trả lời:
Đúng vậy! Bài giảng nào cũng không giải quyết hết mọi mặt, vì bị giới hạn bởi thời gian. Do đó, người nghe thường đặt câu hỏi để làm sáng tỏ hơn. Ba thắc mắc của con, thầy giảng rõ hơn nhé:
1. Tại sao nhà vua không quảng bá kinh Nikaya?
Nhà vua dù là người cai trị muôn dân, nhưng đối với Phật giáo, họ là Phật tử. Như muôn ngàn Phật tử khác, họ là người TẦM ĐẠO, họ là người học đạo. Vì là người học đạo, cho nên họ HÂM MỘ và họ muốn có đông người đồng thanh tương ứng, đồng tình với mình nhằm đáp ứng sở thích như mình.
Để chinh phục nhà vua theo mình, thì nhà sư phải biết dùng tâm lý học mà giảng pháp. Muốn dùng tâm lý học thì không thể dùng kinh Nikaya, bởi vì kinh Nikaya cô đọng, khó nuốt, người học đạo không ham. Ngay người đi tu cũng ngán đọc. Vì vậy, các sư tổ phải lập kinh khiến nhà vua đọc vào là mê thích, là hâm mộ!
Vì vậy, kinh chánh hay kinh phụ gì, nhà vua coi ngang nhau. Miễn là có nhiều người hâm mộ đạo Phật càng ngày càng đông là được rồi!
Cùng với đường lối chinh phục nhà vua, nhà sư cũng phải dùng tâm lý học để mê hoặc lòng người tin theo mình càng đông càng tốt. Đã là mê hoặc, thì đâu còn GIẢNG TRUYỀN CHÁNH PHÁP ĐÚNG ĐẮN, phải không nào?
Ở đây, thầy giảng rõ hơn: Muốn đọc kinh Nikaya thì người đó phải là người quyết tâm quyết chí theo Phật tu hành đến chứng quả mới đọc được. Vì kinh cô đọng và chả có gì hấp dẫn, đam mê ta cả.
Đại thể cho con hiểu rõ:
- Giảm tham dục là đúng
- Làm chủ bao tử là đúng
- Không tham dâm là đúng
Nhưng, trong triệu người, có mấy người làm được nhỉ? Có người kiểm soát được bao tử, nhưng vẫn mê sắc. Có người không mê sắc, nhưng lại tham ăn!…
2. Các thầy tổ tu hành là mong giải thoát, nhưng họ dìm kinh Nikaya để làm gì?
Nếu giảng pháp cho vài người theo tu học, thì không cần lập kinh. Nhưng vì số người càng ngày càng đông, trở thành HẬU THUẪN QUYỀN LỰC. Muốn bảo vệ quyền lực thì thầy tổ phải tạo ra kinh, mà kinh phải chinh phục được lòng người mê tín tin theo. Muốn đạo hữu tin theo thì kinh phải hấp dẫn.
Dù hấp dẫn, cũng phải có lời Phật để làm bằng. Nhờ có lời Phật thì đạo hữu mới trung thành tin theo.
Để cho con dễ hiểu, truyện Tề Thiên Đại Thánh, Tam Quốc Chí, kiếm hiệp Kim Dung, truyện Phong Thần… người viết phải đưa ra vài sự thật, rồi tô hình trát tượng khiến người ta mê tin như thật.
Cho nên, thiết lập kinh điển để cho thiên hạ bái phục, trung thành, tin tưởng, thì trong kinh phải có lời Phật, được trích ra từ kinh Nikaya để làm kinh giả Phật.
Tại sao nhà sư tu hành là mong giải thoát, nhưng phải dìm kinh Nikaya chứ?
Tại vì tu sai pháp Phật, vô tình họ chìm đắm vào THAM DỤC mất rồi! Đông đảo Phật tử đã dâng đến cho họ danh, tài, sắc, ăn, ngủ, đầy đủ cả! Và để hưởng trọn lạc thú phù du, thì họ không thể nào để kinh Nikaya đến tay tăng ni Phật tử, là lẽ đương nhiên.
Nếu kinh Nikaya đến tay tăng ni Phật tử, thì trong muôn người cũng có vài người tỉnh táo, phát hiện và tu hành chứng quả. Khi có người chứng quả được đại chúng biết, thì thành quả họ đang sung sướng hưởng có phải tan thành mây khói, phải không vậy?
Mỗi thầy tổ vì tu sai pháp Phật, cho nên tự tạo cho mình một đạo phái riêng! Do đó, thế gian có nhiều đạo phái là vậy!
Nhà bác học Einstein đã nói: “Tôn giáo sau cùng tồn tại trên thế gian sẽ là Phật giáo Thích Ca.”
Có nghĩa là: Khi tôn giáo Phật Thích Ca, tức là chánh Phật pháp sáng tỏ, thì các tà giáo thần quyền vu vơ tự động chìm vào bóng tối âm u!
Trên đây là thầy lý luận để chứng minh PHẢI CÓ ĐỘNG CƠ NÀO để cho đại thừa phạm tội.
Con có biết tại sao Phật khuyên đạo sư rằng: “Khi nào nổi danh thì nên ẩn bóng”, không?
Bởi vì nổi danh thì bá tánh vây quanh đem danh, tài, sắc, ăn, ngủ, sướng thân, khiến đạo sư trở về tham dục, là tiêu đời TU HÀNH mất rồi! Đạo hạnh phải chìm, trôi theo dòng thác tham dục!
3) Bây giờ, thầy đưa ra bằng chứng: Các sư tổ CẤM TRIỆT ĐỂ KHÔNG CHO TĂNG NI đọc kinh tiểu thừa Nikaya.
Tiếp theo, thầy biện giải để chinh phục bồi thẩm đoàn: Nếu để kinh Nikaya cho tăng ni tự do đọc, thì sẽ có vị tìm ra chân lý, tu hành chứng quả, thì các đạo phái, kèm theo kinh giả Phật, phải tiêu ma.
Bằng chứng:
Hòa thượng Thích Minh Châu, mặc dù biết các thầy tổ đại thừa cấm đọc kinh Nikaya, nhưng vì cần trau dồi ngôn ngữ học tiếng bình dân Pali để trình luận án tiến sĩ Phật giáo, thầy Minh Châu bắt buộc phải đọc kinh Nikaya. Và Ngài đã phải bàng hoàng, khiếp sợ!
Ngài bàng hoàng là vì đây mới đúng là LỜI PHẬT DẠY, và Ngài khiếp sợ (!) là do quyền lợi riêng tư của mình mà các thầy tổ đành đoạn dìm kinh Nikaya!
Càng rõ ràng hơn nữa: Phật dạy, muốn nhập thiền định thì phải đóng các căn, không cho bất cứ căn nào chạy theo trần. Nếu căn nào chạy theo trần thì sẽ lạc vào tà đạo!
Con người có 6 căn: Tai, mắt, mũi, lưỡi, ý và thân.
- Thân có nghĩa là thân thể, tay chân va chạm đón nhận cảm giác. Thế mà đại thừa triển khai triệt để đam mê của sáu căn chạy theo vào hồng trần.
- Tai thì nghe âm thanh tụng kinh.
- Mắt thì nhìn thấy cảnh đẹp Phật đường.
- Mũi thì ngửi theo mùi hương khói đậm đà.
- Lưỡi thì nếm trái cây tươi đẹp, ngon ngọt.
- Ý thì hướng theo Phật tưởng A Di Đà.
- Và thân thì lăn hạt tràng, gõ mõ, khua chuông.
Quá rõ ràng: Đại thừa đã dẫn dắt hành giả vào mê hồn trận, hưởng phước lạc thú phù du, để rồi họ cùng nhau chấp nhận sinh, già, bệnh, chết, phải vậy không?
4) Để hiểu rõ, ta cần phải có sự so sánh.
Thầy Thông Lạc thì sao? Ngài không cho tu sinh làm gì cả. Ngài phục vụ cho tu sinh. Ngài đem kinh Nikaya ra giảng dạy cho tu sinh hiểu pháp tu hành.
Ngài buộc tu sinh phải:
- Ở độc cư,
- Ăn mỗi ngày một bữa,
- Ngủ 4 tiếng,
- Tiền không dính túi,
- Đem pháp Phật như lý tác ý tu tập cho thuần thục, để ly dục, ly ác pháp, tăng trưởng thiện pháp,
- Không làm khổ ta,
- Không làm khổ người,
- Và không làm khổ chúng sanh, để có đạo đức nhân bản – nhân quả và đạt Giới – Định – Tuệ.
Như vậy, có phải thầy Thông Lạc thi hành đúng lời Phật dạy cho Subhadda, phải không vậy?
Phật dạy cho Subhadda rằng:
“Khi nào các vị sa-môn tu tập và truyền giảng chánh pháp MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, thì thế gian này sẽ không bao giờ trống vắng các bậc A-la-hán giải thoát, nhé!”
Viết, phải trưng bằng chứng mới tin: Quan sát hình ảnh tu sinh và đọc Những Lời Gốc Phật Dạy, 12 Cửa Vào Đạo, và Đường Về Xứ Phật, là rõ ràng thôi!
Như vậy, thầy Thông Lạc không phải là thánh nhân, là người đã chứng đạo giải thoát, rồi sao?
GHI CHÚ:
Theo nguyên lý: Dù nhà vua cai trị muôn dân, nhưng nhà vua là Phật tử, là người học đạo. Nhà vua phải kính lạy đạo sư.
Tại sao nhà sư lại khúm núm quỳ lạy nhà vua, người có quyền, nhà giàu, chứ?
Tại vì đạo sư đã trở về GIA TĂNG THAM DỤC mà nào hay, nào biết! Trở về tham dục, có nghĩa là làm nô lệ cho bao tử. Vì bao tử, mà họ phải quỳ lạy người có tiền, có quyền.
Cũng vì vậy, có nhiều nhà sư hãnh diện, vui mừng khi có Phật tử vỗ đầu, cấp bằng, ban khen, để lộng kiếng, MIỆNG CỐNG, khoe tài với Phật tử!!!!!
Buồn ơi là buồn… bỏ qua đi Tám!