vi en

PHẬT GIÁO KHÔNG ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY!

Thích Nữ Hồng Hạnh:

Kính thưa thầy Thanh Thiện,

Trong Đường Về Xứ Phật, con thấy có viết: Phật giáo không phải đến để mà thấy!

Con cảm thấy khó hiểu quá! Nếu đến mà không nhìn thấy gì hết, thì làm sao biết đạo Phật mà vào chứ? Nhắm mắt lại mà vào, như vậy không phải ta đang vào đạo mù sao?

Kính mong thầy giảng giải cho con tỏ tường. Thành kính biết ơn thầy…

Trả lời:

Thưa ni Hồng Hạnh,

Ni đừng xưng “con” với bần đạo nhé! Phật pháp bình đẳng với mọi người. Ni chỉ xưng “con” với sư phụ ni mà thôi. Ni đừng khiêm nhường không đúng, khiến tăng hí hửng lên mặt nhé! Ni chỉ xưng tên hay “bần ni” là được rồi! Nhưng có lẽ đừng xưng tên thì hay hơn, bởi vì tránh cho tăng nham nhở hiểu lầm!

Mới đọc qua Đường Về Xứ Phật, ni thắc mắc rất đúng, tại vì ni chưa hiểu chánh Phật pháp. Nếu ni hiểu chánh Phật pháp rồi, thì ni sẽ hiểu lời đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc diễn giảng đúng lời gốc Phật dạy.

1. Phật và đức Trưởng Lão không phải dạy cho người TẦM ĐẠO hay MỘ ĐẠO, mà quý Ngài dạy cho NGƯỜI TU HÀNH.

Đối với quý Ngài, không cần người mộ đạo, mà chỉ cần người tu tập để đạt được chân lý như quý Ngài.

2. Người tu hành là người đã đọc hiểu TỨ DIỆU ĐẾ, 8 CHÁNH ĐẠO, 12 NHÂN DUYÊN, 37 PHẨM TRỢ ĐẠO, 5 UẨN

Và quyết định đi tu để làm chủ sinh, già, bệnh, chết và vượt thoát không còn tái sinh làm người khổ đau.

Cho nên, đức Trưởng Lão dạy cho TU SINH rằng: Một khi tu sinh quyết định nhập thất tu tập, thì hãy đóng hết 6 căn lại đi, không nghe, không biết, không thấy.

Quý tu sinh chỉ có một việc duy nhất là lấy pháp Phật tu tập cho nhập tâm. Khi pháp Phật nhập tâm là xong rồi, là chứng đạo.

Do đó, quý tu sinh không còn thì giờ để tìm hiểu LÝ THUYẾT, bởi vì tu sinh sẽ không đủ thì giờ để tu tập cho chứng đạo.

Chữ THẤY ở đây có nghĩa là TÌM HIỂU LÝ THUYẾT.

Nếu bước vào thất rồi mà ni tìm hiểu lý thuyết, còn nghe băng giảng, còn bàn luận, là phí thì giờ, tu tập bất thành.

Bởi vì 6 căn sẽ bị 6 trần kéo chạy theo tà đạo, thì còn tu gì được nữa chứ? Dĩ nhiên, nơi đây là dạy cho người đi tu. Đối với cư sĩ thì cứ tự nhiên nghiên cứu nhé!

3. Đối với CHỮ nghĩa ở học đường – tức là chữ được hiểu qua lý thuyết – và chữ được hiểu qua pháp hành, khác xa một trời một vực.

Nếu hiểu nghĩa theo lý thuyết mà đem ra hành thì trật đường rầy!

Do đó, đạo Phật là đạo phải hành trên thân, sau khi chứng đạt thì sẽ hiểu nghĩa rõ ràng và giảng giải cho bá tánh cùng hiểu. Nếu không chứng đạt, thì giải nghĩa sai, hại đời tu sĩ mà không hay biết nhé.

Ví dụ 1)

Vì không hiểu nghĩa NHƯ LÝ TÁC Ý, vô cùng quan trọng trong tu hành theo đức Phật.

Bởi vì như lý tác ý là dây cương để huấn luyện tâm. Nhưng các thầy tổ hiểu nghĩa như lý tác ý là ÁM THỊ, cho nên họ không đem nó áp dụng cho việc tu hành.

Thầy Thông Lạc, nhờ tu hành chứng quả, cho nên Ngài mới thông hiểu như lý tác ý là dây cương dùng huấn luyện tâm.

Thầy Thanh Thiện giảng thấp hơn cho bình dân cùng hiểu, đó là dùng lời ngắn gọn, theo ý ta muốn, luôn luôn nhắc nhở tâm cho tâm quen thuộc. Khi tâm quen thuộc rồi, thì ta điều khiển tâm rất dễ dàng.

Để giữ được thanh bạch, trong sạch suốt đời, thầy Thông Lạc ngày đêm tác ý rằng: “Tâm trắng bạch như vỏ ốc”, để Ngài không bị ô nhiễm bụi trần.

Ví dụ 2)

Trong 8 chánh đạo, chữ NGHIỆP, người tu chưa chứng hiểu theo nghĩa học đường là nghề nghiệp.

Vì vậy, họ biến Phật pháp thành thương trường, mua kinh bán pháp! Đưa bá tánh vào u mê mê tín dị đoan để họ dễ lượm tiền, lường gạt bá tánh làm giàu!

Nhờ tu hành chứng quả, thầy Thông Lạc thông hiểu mà giảng rằng: NGHIỆPnghiệp lực mà ta tạo ra.

Có nghĩa là tu sinh phải gìn giữ THÂN – MIỆNG – Ý, đừng tạo ra nghiệp quả bất lợi cho đời tu sĩ. Còn tu sĩ chỉ có một nghề duy nhất, đó là ĂN XIN MỘT BỮA TRƯA!

Ví dụ 3)

Phật dạy: “Đứng lại thì chìm, đi tới thì trôi dạt. Chỉ có vượt qua.”

Nếu không tu hành chứng đạt chân lý, thì làm sao hiểu được CHỈ CÓ VƯỢT QUA, nghĩa là tu hành chứ!

Đem câu CHỈ CÓ VƯỢT QUA mà hỏi các giảng sư đại học Phật giáo, họ cũng mù tịt, hoặc họ giảng giải quanh co mà thôi!

Bằng chứng, họ giảng giải sai Phật pháp nhiều lắm! Nhưng họ RẤT HÈN, họ không DÁM NHẬN SỰ THẬT là họ NGU MUỘI, để rồi họ kính nhờ thầy Thông Lạc giúp họ thông suốt hơn!

Bởi vì họ sợ MẤT MẶT! Nếu họ công khai thỉnh giáo thầy Thông Lạc, thì đám lâu la làm sao dám hỗn xược với thầy Thông Lạc chứ!

Còn nhiều nữa, bần đạo không tiện kê khai ra đây! Muốn hiểu nghĩa theo đúng chánh pháp, thì bắt buộc phải tu hành chứng quả mới hiểu được, mới giúp bá tánh hiểu không sai!

Bởi vì pháp Phật đã có sẵn. Bây giờ, có chịu tu hành hay không mà thôi!

Rất rõ ràng, thời Phật không ai học lý thuyết cả. Họ chỉ nghe Phật thuyết giảng TỨ DIỆU ĐẾ, họ hiểu rằng đời họ là tạm bợ, là như hoa sớm nở chiều tàn, là sinh, già, bệnh, chết, khổ đau.

Muốn làm chủ được sinh, già, bệnh, chết và vượt thoát không còn tái sinh làm người khổ đau, thì theo Phật TU HÀNH.

Muốn theo Phật tu hành, thì trước nhất hãy độc cư, các căn đóng lại để không bị 6 trần lôi kéo chạy theo tà giáo!

Rõ ràng như vậy, chả có tỳ kheo nào học lý thuyết như các vị tiến sĩ Phật giáo ngày nay, với lý thuyết trừu tượng bao la, với kiến thức chìm đắm trong tham dục trí tuệ, VÔ MINH!

Điển hình, bà Liên Hoa Sắc, hận chồng, trả thù chồng, bà đang sống trong thác loạn cuồng si. Bà có duyên gặp được A-la-hán Mục Kiền Liên, giảng bài pháp BUÔNG XUỐNG ĐI THÌ HẾT KHỔ. Bà chỉ hiểu bấy nhiêu thôi, rồi ngày đêm bà dùng pháp như lý tác ý, tẩy sạch bụi trần ai. Hận thù, hờn căm đều trôi sạch, thì bà chứng quả.

Rõ ràng, đơn giản chỉ có vậy thôi!

Bà Da-du-đà-la, vợ Phật, bà nương theo chồng nơi hoang vu sống khổ hạnh. Tuy bà đang trong cảnh hoàng cung hoành tráng, với địa vị THÁI TỬ PHI, độc nhất vô nhị, bà dám bỏ tất cả: nằm đất, sống đạm bạc. Cho đến khi chồng về, giảng pháp cho bà, bà liền ĐẨY CON TRAI duy nhất, La-hầu-la, theo cha XIN GIA TÀI, rồi bà âm thầm rời hoàng cung, tu tập đến chứng quả.

Đơn giản chỉ có vậy thôi! Phụ nữ, bà từ bỏ được tham dục, giàu sang, phú quý, tinh tấn tu tập thì bà chứng quả.

Bà Liên Hoa Sắc và Daduđàla là hai đối tượng tuyệt vời giúp bần đạo tin tưởng mà tinh tấn tu hành, đó ạ!

Đại để, cho ni hiểu được rõ ràng. Khi ta gặp sư phụ làm bánh, nếu ta muốn có bánh ăn, thì sư phụ làm bánh chỉ làm sao, ta làm y như vậy thì ta có bánh ăn.

Phật cũng vậy! Ngài chỉ sao, ta làm y như vậy là ta chứng quả. Mỗi tỳ kheo, tùy theo đặc tướng của mình, Phật trao cho một pháp, và tu tập pháp đó nhập tâm là chứng quả rồi.

Đơn giản chỉ có vậy thôi!

Làm sao biết chắc Phật trao cho mỗi tỳ kheo một pháp chứ?

Ông Châu Lợi Bàn Đặc, người theo Phật giảng pháp nhiều nơi và quan sát nhiều tỳ kheo đang tu tập. Cuối cùng, ông tin tưởng Phật pháp, ông quyết định đi tu và ông xin Phật ban pháp tu hành.

Phật bảo: “Con chọn pháp nào tùy ý, mà pháp đó con đưa tâm vào bất động là được rồi.”

Thế là ông về nhà, dùng pháp TỨ NIỆM XỨ, âm thầm tu tập đến chứng quả. Tu theo Phật RẤT ĐƠN GIẢN!

Chính vì vậy mà thầy Thanh Thiện giảng giải rõ ràng rằng: Ta được sinh ra từ tham dục của mẹ cha. Mẹ cha và người thân nuôi ta lớn lên bằng tham dục.

Khi ta trưởng thành, biết rõ phải trái ở đời, ta biết ta sanh, già, bệnh, chết là do THAM DỤC. Nhưng ta vẫn tiếp tục đắm chìm theo dòng thác tham dục.

Bây giờ, ta muốn vượt thoát khổ đau, thì ta TỰ GIẢM THIỂU THAM DỤC. Ta giảm thiểu được bao nhiêu tham dục, thì ta bớt khổ nhiều bấy nhiêu. Giảm thiểu tham dục – thấy thì DỄ, nhưng mấy ai làm được đây nhỉ?

Tóm lại, khi ni nghe thánh tăng giảng pháp, ni nên hiểu qua pháp hành. Muốn hiểu qua pháp hành, thì khi thánh tăng đang giảng pháp, ni nên hỏi ngay để được tỏ tường.

Bần đạo thông cảm, khi thánh tăng giảng pháp, thì ta ngơ ngác, như nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô! Biết gì đâu mà hỏi! Phải không nào?

Tốt nhất, ta tu tập Như lý tác ý6 pháp cơ bản, thì mọi hiện tượng xuất hiện trên thân.

Đó là câu trả lời chính xác và tuyệt vời nhất, đó vậy!

  Tổng khách đã truy cập
2950

Tin Mới Nhất

Video (Có bản English)

Bài giảng mồng một Tết nhâm dần - Thầy Thích Ca dạy tu hành

Phạm Quang Qúy: Nhận định rằng: Phật Thích Ca dạy ĐI NGƯỢC

Thầy Thanh Thiện đã tu tập như thế nào? Thầy Thích Ca dạy tu hành

Thầy Thích Ca dạy thân hành niệm - Thầy Thích Ca dạy tu hành

Fanpage