NUÔI DƯỠNG TÂM TU LÀ GÌ?
LÀM SAO NUÔI DƯỠNG ĐƯỢC TÂM TU?
Cùng quý Phật tử thân thương thương kính thầy Thông Lạc.
Quý Phật tử đọc bài giảng pháp của thầy Thanh Thiện, hãy xem tỳ kheo Thanh Thiện như thầy dạy cho học sinh tiểu học biết làm toán cộng, trừ, nhân, chia và vô định. Khi học sinh thông thạo cộng, trừ, nhân, chia và vô định rồi, thì bước vào trung học, học giải phương trình toán học dễ dàng ngoài ước muốn.
Tương tự như vậy, thầy Thanh Thiện hướng dẫn quý Phật tử tu tập 6 pháp căn bản. Một khi quý Phật tử thuận thảo, quen thuộc 6 pháp căn bản rồi, lúc bấy giờ hành giả lên đường nhập dòng thánh tu hành, thì hành trang đã sẵn sàng mang theo niềm tin tự chiến đấu và chiến thắng tham dục, không còn tái sinh làm người khổ đau.
Điều quan trọng mà quý Phật tử không thể nào ngờ được:
Cho dù quý Phật tử chưa có duyên đi tu, lúc lâm chung hay bệnh ngặt nghèo xảy ra, thì ngay lúc đó, 6 pháp tu tập cơ bản này giúp Phật tử tự thoát ra trong đường tơ kẽ tóc, để tự giải thoát cho mình.
Tại sao vậy? Đó là phản ứng của thói quen đã được thao tập 6 pháp căn bản.
Cùng quý Phật tử thân thương thương kính thầy Thông Lạc.
Thầy Thông Lạc cho biết rằng:
Con người rất tham lam, đời cũng muốn mà đạo cũng ham. Trong khi đó, đời và đạo là hai hướng đi trái ngược nhau, hai chân đứng hai thuyền thì làm sao đi được chứ?
Đối với đời:
Ta là con người được sinh ra trong cõi đời này, quen sống trong vòng tay thương yêu, săn sóc, nâng niu, chiều chuộng của mẹ cha, người thân. Ta được huân tập trong sinh hoạt xã hội loài người thành thói quen không bỏ được.
Song song đó, khoa học phát triển không ngừng, phụng sự nhân loại, thỏa mãn mọi phương diện trong đời sống hằng ngày.
Trong khi đó, Phật Thích Ca dạy rằng:
Đời người là sinh, già, bệnh, chết, là khổ đau, là tạm bợ, là phù du. Cần phải tu hành để vượt qua kiếp người đau khổ.
Muốn tu hành thì phải giảm thiểu tham dục, nhưng tham dục đã trở thành thói quen hấp dẫn, ghiền nghiện mất rồi! Làm sao bỏ tham dục được đây?
Dĩ nhiên, tham dục ở đời đã quen, đã dính liền với thân thể, không thể nào dứt ra được.
Đạo quả đúng là tuyệt vời, nhưng:
- Làm sao với tới?
- Làm sao dứt được đời để sang thuyền hướng về đạo?
Đây quả thật là câu hỏi gây băn khoăn, thao thức, trằn trọc cho mọi người.
Nay thầy Thanh Thiện gởi lời san sẻ đến quý Phật tử thân thương thương kính thầy Thông Lạc.
Đúng vậy, là thói quen, đã biết là hư hỏng, nhưng không thể nào nói bỏ là bỏ được, bởi vì thói quen đã huân tập từ khi ta mới lọt lòng cho đến lớn khôn.
Vì vậy, qua kinh nghiệm bản thân đã vượt qua, thầy Thanh Thiện san sẻ để quý Phật tử tùy nghi sử dụng cho việc bỏ đời vào đạo mà không gặp trở ngại nào.
Thật khoan khoái, nhẹ nhàng, thanh tao, êm ái.
1. Trước hết, ta nên biết – Tại sao ta nên tu?
Rõ ràng, khi ta đọc Tứ Diệu Đế và ta nhận chân được rằng:
Quả đúng, đời ta trải qua sinh, già, bệnh, chết.
Đồng thời, ta nhận chân được rằng:
TA đang mượn thân xác tạm bợ làm người ở thế gian.
Tuy ta biết tạm bợ, nhưng:
Ta đã bị thân xác này trói buộc ta vào tham dục để thỏa mãn cho thân thể ta đang vay mượn.
Ta biết rõ rằng:
- Nếu ta đứng lại thì chìm trong tham dục.
- Nếu ta đi tới thì trôi dạt theo dòng thác tham dục.
Tham dục dính chặt trên thân, chỉ có tu hành mới vượt được mà thôi.
2. Vậy tu hành là tu như thế nào?
Ta biết rõ, tâm ta đã bị tham dục bao vây, quyến rũ, lôi kéo trùng trùng điệp điệp. Nhất là ngày nay, khoa học phát triển phụng sự nhân loại, giúp con người được thỏa mãn tham dục tuyệt vời!
Bây giờ, ta muốn tâm thoát khỏi vòng vây tham dục, thì ta phải huấn luyện tâm thành thói quen sống trong thiện pháp.
Khi tâm quen thuộc sống trong thiện pháp thì ta mới êm đềm thoát ra khỏi tham dục, ngõ hầu giúp ta tiến đến tự làm chủ sinh già bệnh chết và vượt thoát kiếp người khổ đau.
3. Làm sao huấn luyện được tâm quen sống trong thiện pháp?
Thì ta phải dùng pháp “Như lý tác ý”, TỪ TỪ, LUÔN LUÔN, THƯỜNG XUYÊN và TRƯỜNG KỲ nhắc nhở tâm quen với thiện pháp.
Khi tâm quen được thiện pháp rồi, thì tâm sẽ rời xa ác pháp.
Muốn biết về Như lý tác ý, thì nên đọc bài pháp giảng về Như lý tác ý của thầy Thanh Thiện.
Lưu ý quý hành giả rằng:
Tu tâm theo chánh pháp không phải là tu tâm sửa tánh như kiểu đạo đức học ở ngoài đời hay tu theo tà đạo.
- Tu tâm sửa tánh là để ngoan ngoãn phục tùng cho kẻ khác!
- TU TÂM là tập cho tâm quen sống trong thiện pháp.
Khi tâm quen sống trong thiện pháp, thì tâm tự động từ bỏ ác pháp và tăng trưởng thiện pháp.
Để dễ hiểu, hãy hình dung như một chiếc máy tính (computer):
- Nếu ta cho lệnh chỉ nhận màu xanh, thì chỉ màu xanh mới được chấp nhận, còn những màu khác thì không nhận.
- Khi có màu xanh đến, computer sẽ đón nhận.
- Khi có các màu khác, computer làm lơ.
Cũng vậy, khi ta huân tập cho tâm quen nhận thiện pháp, thì lúc ác pháp tấn công, tâm sẽ làm lơ.
Ở giai đoạn này, ta đã làm chủ được tâm và đưa tâm vào bất động tâm định, sống trong từ trường thiện.
Đời ta an nhiên tự tại – Đây gọi là đạo đức nhân bản – nhân quả đấy ạ!
Muốn biết pháp “Như lý tác ý” tuyệt vời như thế nào, hãy thử một pháp ăn chay:
Từ 1 tháng đến 3 tháng là biết kết quả ngay!
Đại ý thì giống nhau, nhưng cách hành văn thì khác nhau, phải thích hợp với đặc tướng từng người. Không ai giống ai cả.
Dùng đúng dạng tác ý thích hợp, thì thực hành được mà thôi.
Ví dụ về các cách tác ý khi tập ăn chay:
- Có người tác ý:
- “Ăn mạng động vật dã man quá! Thôi, từ nay ta nên ăn chay.”
- Có người tác ý:
- “Ăn mạng động vật là đầu độc độc tố loài vật vào thân ta, khiến bản tính ta giống y loài vật, chứ ích gì!”
- Có người tác ý:
- “Ăn chay ngon hơn và nhẹ nhàng hơn ăn mạng động vật.”
- Có người tác ý:
- “Thuốc trị bệnh từ thực vật, ăn chay bổ thân.”
Có nghĩa là:
Mỗi người tự sáng tác lời tác ý mà mình thích và tâm mình vui, rồi đọc đi đọc lại, hàng ngày, hàng đêm cho đến thuộc nằm lòng.
Khi thuộc rồi, một lúc nào đó, quyết định ăn chay, thì ăn rất ngon và về sau, ghê sợ, không còn muốn ăn mạng động vật nữa.
Kết quả chính là câu trả lời tuyệt vời nhất!
Dùng pháp “Như lý tác ý” quen thuộc có lợi ích lớn:
- Đuổi được bệnh.
- Gìn giữ tâm hồn ta bình an mãi mãi.
- Tập quen ly dục, ly ác pháp, tăng trưởng thiện pháp.
Khi tu hành tinh tấn và nhập thiền, thì thiền định dễ dàng.
4. Điều quan trọng là ta phải tìm hiểu về thân thể ta
Ta đi tu mà không biết gì về thân thể ta thì tu làm gì?
Cho nên, ta cần phải biết:
- Năm uẩn – Đặc biệt là tưởng uẩn.
- Cơ thể ta và tâm tư ta.
- Ta là ai?
- Tâm là gì?
- Bản ngã là sao?
Muốn biết rõ ràng thì hãy đọc bài giảng pháp của thầy Thanh Thiện.
Nên nhớ:
Trong quá khứ và hiện tại, ta luôn sống trong tưởng thức rất nhiều.
Có nghĩa là:
Tâm ta đã hoàn toàn lệ thuộc vào tưởng thức.
Đọc bài pháp “Năm uẩn” đã giảng, để tương lai ta thoát ra tưởng thức nhờ tu tập 6 pháp căn bản.
Khi 6 pháp căn bản thuần thục, thì ta sẽ:
- Nhìn rõ sự thật về ta.
- Nhận ra tâm và thân ta là tạm bợ.
5. Nuôi dưỡng tâm tu
Khi ta nhận biết được rằng ta nên tu hành, thì ta tập 6 pháp tu căn bản:
- Đi kinh hành
- Định niệm hơi thở
- Ngồi kiết già lưng thẳng
- Độc cư
- Ăn mỗi ngày một bữa
- Định sáng suốt
Mỗi ngày, ta dành thời gian chừng 30 phút tập cho quen 6 pháp trên, tập như tập thể dục.
Khi có điều kiện, ta tăng lên dần dần.
Ta cần biết rõ rằng:
Dù cho ta từ bỏ được giàu sang phú quý và cắt đứt ái kiết sử, ta cũng không thể nào đặt hai chân trọn vẹn trên thuyền đạo.
Bởi vì:
Ta chưa ly dục ly ác pháp, có nghĩa là tham dục vẫn còn vương vấn trên thân xác ta.
Nhờ thao tập 6 pháp căn bản thuần thục, là ta đã ly dục ly ác pháp, tăng trưởng thiện pháp rồi.
Cho nên, khi ta quyết định bước qua thuyền đạo, là ta đã từ giã thuyền đời trong an vui, không còn luyến tiếc gì nữa.
6. Duyên đến ta quyết định đi tu – Thế nào là duyên đến?
Ví dụ 1:
- Hiện nay, ta đang bận săn sóc mẹ già.
- Khi mẹ già vừa qua đời, ta lên đường tu tập.
Ví dụ 2:
- Ta đang đi làm, bây giờ về hưu, ta dành thời gian còn lại của cuối đời để tu tập.
- Thì tuyệt quá!
Ví dụ 3:
- Vợ chồng đang sống an vui, nhưng tự nhiên, có người ngoại tình!
- Người kia biết được, buông xuống hết, âm thầm đi tu – Là cơ duyên tuyệt vời!
Đừng bao giờ chờ đợi khi duyên đến mới tu tập nhé!
Bởi vì: Lúc ta đang bắt đầu tu tập, thì có nhiều chuyện xảy đến khiến ta bỏ lỡ cơ hội đi tu.
Ví dụ:
- Mẹ vừa qua đời, thì người tình đến mời gọi lập gia đình.
- Ta vừa về hưu, thì có người đến rủ ta thực hiện làm giàu.
Như vậy, tham dục vẫn trở về tham dục mà thôi.
7. Thao dợt 6 pháp căn bản thành thói quen – Nếu không đi tu có lợi ích gì?
Khi 6 pháp căn bản đã tập quen:
Lúc sắp chết hay bị bệnh nặng, hãy dùng thời gian đó để tu tập bất cứ một pháp nào trong 6 pháp, liên tục, đừng ngừng.
Sẽ cho ta lời giải đáp tuyệt vời không thể nào ngờ được.
Nhờ phản ứng tự nhiên đã quen thuộc, giúp ta bình thản chiến đấu vượt qua.
8. Cuối cùng
Khi ta tập 6 pháp căn bản thuần thục, chính là:
- Ta đã ly dục ly ác pháp, tăng trưởng thiện pháp.
- Không làm khổ ta, không làm khổ người, không làm khổ chúng sanh.
Nhờ đó, khi ta quyết định đi tu, thì:
Hai chân ta đã bước qua thuyền đạo trọn vẹn, không còn vấn vương ở thuyền đời.
Đó là nhờ ta đã từ từ cởi được dây trói “Ái kiết sử”.
Cho nên, ta bước qua thuyền đạo với lòng khoan khoái an vui, tinh tấn tu hành đến chứng quả.
9. Tuyệt đối ghi nhớ
Đừng bao giờ để cho 6 căn chạy theo 6 trần!
Bất cứ căn nào chạy theo trần, thì phải lạc vào tà đạo – Là điều hiển nhiên!