Nguyễn Thế Bình hỏi đạo:
Thưa thầy Thanh Thiện, con thấy thầy giảng pháp ngắn gọn, con hiểu được. Nay, thầy cho con hỏi: Trong 5 giới, có giới nói láo.
Nói láo với thiện ý, có phạm giới không? Cám ơn thầy.
Trả lời:
Câu hỏi rất hay, và trả lời rất tế nhị, khó lắm à nghen! Bởi vì SỰ THẬT mất lòng! Nói thật, là không vừa lòng người nghe rồi đó ạ!
Đối với đời sống thế gian, nói láo có thiện ý, thì họ cho là tốt! Đây là đạo đức giả!
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
1. Có một nhà sư đến khất thực.
Chủ nhà bị mất chiếc nhẫn hột xoàn. Mọi người đều truy tội nhà sư là ăn cắp chiếc nhẫn. Nhà sư không lên tiếng, im lặng như nhận tội, mặc cho mọi người sỉ vả!
Một lát sau, con ngỗng ngã ra chết. Nhà sư nói rằng: Thủ phạm là nó đó.
Tất cả đều phì cười, nhạo báng, cho rằng nhà sư NÓI LÁO để chạy tội! Có một người thông minh lên tiếng rằng: “Con ngỗng chết rồi, tại sao chúng ta không mổ bụng xem sao?”
Khi mổ bụng, thì chiếc nhẫn lòi ra!
Con thấy không? Nếu nói thực, thì một sinh mạng phải chết! Nếu nói láo, thì mình vẫn bị nghi oan. Thôi thì, đành im lặng là thượng sách.
2. Một vị công chức cao cấp, có vợ đẹp và giàu.
Ông ta bỏ nhà đi tu theo đại thừa. Mọi người đều khen và ca tụng ông ta là người chân chính tu hành!
Vợ đẹp, con ngoan, gia đình giàu có, bề thế trong xã hội mà ông không còn màng đến nữa!
Có người hỏi tại sao ông lại đi tu?
Nói thực thì người đời không tin, và vô tình nói xấu vợ! Nói láo là phạm giới. Thôi thì, làm thinh cho qua chuyện.
Con biết tại sao ông ta đi tu không? Tại vì ông ta chịu hết nổi cách cư xử của bà vợ đẹp và giàu!
Con đường đẹp nhất là tá túc nơi cửa chùa của đại thừa, để tránh bà vợ quái gở mà thôi!
Vào chùa tu hành, con biết tại sao sai pháp Phật không?
Tại vì Phật cho biết rằng: Vào chùa tu, là làm thầy tu gác chùa để hưởng phước! Chứ sự thật, có tu hành gì đâu?!
Con thấy, có phải nói thật mất lòng không vậy?
3. Phật có dạy rằng: Là tăng sĩ, có phạm một giới, dù giới nhỏ nhặt, sẽ còn phạm thêm nhiều giới nữa.
- Con biết tại sao không?
- Tại vì đã nói láo một lần, sẽ nói láo nhiều hơn nữa, và sẽ thành thói quen. Khi đã thành thói quen thì không bỏ được.
Vì vậy, người nói láo dù với thiện ý, vẫn phạm giới như thường!
Nhà sư khi giảng pháp mà uốn lưỡi, nói cho vừa lòng Phật tử, là bị phạm giới. Con có biết tại sao không?
Tại vì thành thói quen nói láo, hại đời tu sĩ mà không hay biết!
Bởi vì lúc đầu, nói láo vì thiện ý, để chinh phục Phật tử. Khi Phật tử ngưỡng mộ, ca tụng, rồi thì cúng dường. Phật tử cho ăn ngon, mặc đẹp, nêu cao tên tuổi cho nhà sư.
Thế là nhà sư khoái chí, lần lần sa ngã vào DANH, TÀI, SẮC, ĂN, NGỦ hồi nào không hay!
Khi tỉnh lại thì: Ôi, thôi rồi! Đã quá muộn rồi! Uổng phí đời tu hành!
Tóm lại, đối với ngoài đời thì thầy không có ý kiến. Nhưng, đối với nhà tu hành, thì thầy từng dạy rằng: Không được dùng tâm lý học để giảng pháp!
Bởi vì làm như vậy là gạt Phật tử mê tu vì được thỏa mãn dục vọng, chứ không phải là để đạt được chân lý!
Tu hành mà để thỏa mãn tham dục, thỏa mãn dục vọng, là đều bị lạc vào tà đạo rồi đấy! Đồng thời, đạo sư sẽ bị sa ngã vì thói quen nói láo, không bỏ được đó vậy!
Cho nên, A-la-hán Thích Thông Lạc khuyên tăng ni, Phật tử: hãy gìn giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự là đủ rồi.
Và, thầy Thanh Thiện triển khai lời dạy trên cho mọi người cùng hiểu biết rằng:
Hãy tà tà, từ từ, dùng pháp như lý tác ý, tu tập cho TÂM quen 6 pháp căn bản.
Khi TÂM quen với pháp Phật rồi, thì tự nhận biết: ĐỜI MÌNH THẬT ĐÁNG QUÝ!
Ai tu được, thì tự mình âm thầm chiến đấu và chiến thắng với mình.
Chả nài ép ai cả. Chúng tôi là người chỉ đường cho hành giả đi.
Đi hay không, là tùy hành giả quyết định nhé!
Chúng tôi luôn luôn thương yêu, tha thứ những ai chửi sủa, bởi vì chúng tôi không nhận bất cứ hồi báo nào, kể cả lời khen chê!
Chuyện thế gian, chúng tôi đã vượt thoát ra được rồi!
Hy vọng sẽ có người nương theo Phật, vượt thoát được nợ trần gian!
GHI CHÚ:
Hiếm hoi lắm, mới có một phụ nữ đẹp, giàu mà hiền hòa, tha thứ!
Hầu hết, phụ nữ đẹp, giàu đều ương ngạnh, khó tính. Họ luôn luôn đặt người khác phải phục tùng họ!
Là bởi, tại vì rằng: họ đã được nuông chiều, cưng nịnh từ tuổi thơ cho mãi đến trưởng thành, họ trở thành có thói quen ương ngạnh, tự cao, không bỏ được.