vi en

CHÁNH PHÁP VÀ TÀ PHÁP

Nguyên Văn Khải hỏi đạo:

Thưa thầy Thanh Thiện, con bối rối quá! Con hoang mang quá! Bao lâu nay, đối với quý vị Hòa Thượng Đại Thừa, được mọi người kính trọng và tôn vinh như là chánh pháp.

Trong khi đó, thì thầy lại bài bác, cho rằng họ là tà sư, có nghĩa là tà pháp. Vậy kính mong thầy giải thích để chúng con được tỏ tường. Thành kính tri ân thầy.

Trả lời:

1. Nguyên Văn Khải à! Thầy rất cảm động, khi con chưa biết thì con hỏi.

Khi con hỏi thì thầy sẵn sàng giảng giải cho con hiểu rõ ràng. Bởi vì các con bị Đại Thừa nhồi sọ sai lầm từ lâu lắm rồi!

Cho nên, khi gặp chánh Phật pháp xa lạ, khiến các con bàng hoàng, ngơ ngác là điều đương nhiên! Là đạo sư, thầy phải viết lên sự thật và giảng giải rõ ràng để những ai muốn học hỏi đều hiểu biết tường tận.

2. Đã là con người, không ai hoàn hảo hết.

Cho nên, con người phải biết dùng óc người để học hỏi mà tiến bộ, để xây dựng đời sống cho mình và xã hội càng tốt đẹp hơn.

Ngày xưa, con người là động vật yếu đuối nhất trong thế gian. Một con kiến, con muỗi cũng thừa sức đưa con người về chín suối! May mắn cho loài người, nhờ các cụ dạy học để ta biết đọc, biết viết, biết khoa học… cho nên, con người được tiến bộ và trở nên loài động vật thông minh và hùng mạnh, khám phá vũ trụ cùng làm chủ muôn loài.

Đối với những con người chỉ biết ăn, ngủ và làm tình, không chịu học hỏi, đã vậy mà đem sự ngu dốt của mình để chống báng lại thầy dạy khôn cho mình, thì các cụ gọi đó là hạng “ĐẦU NGƯỜI ÓC HEO“!

Thầy Thông Lạc dạy khôn cho loài người, diễn giảng đúng lời gốc Phật dạy, mà những ai ngu si không chịu học hỏi, lại nguyền rủa, chống báng Ngài, thì đó là loại “ĐẦU NGƯỜI ÓC HEO” nhé. Là hạng người chỉ biết ăn, ngủ, làm tình và không chịu học hỏi để tiến bộ, thì rõ ràng là óc heo rồi!

Cây viết chì luôn luôn có cục tẩy đi theo. Điều này diễn tả cho chúng ta biết rằng, mọi con người muốn tiến bộ, muốn văn minh thì cần phải tẩy bỏ sự sai lầm và thay vào đó những chân lý tốt đẹp, có ích cho đời ta và sinh hoạt xã hội loài người.

Đây là bài học triết lý giá trị tuyệt vời đấy ạ! Ai ai cũng có sai lầm, biết sai và sửa sai, đó mới là điều đáng quý.

3. Tu hành theo Phật Thích Ca là gì?

Sau khi hoàng tử Sĩ-đạt-ta tu hành chứng quả và khám phá ra chân lý TỨ DIỆU ĐẾ, Ngài truyền dạy cho đệ tử tu hành. Tu hành theo Phật Thích Ca là:

a) Mỗi người tự biết đời mình là tạm bợ ở thế gian, là đau khổ, sinh, già, bệnh, chết và luân hồi triền miên. (Khổ đế).

b) Nguyên nhân đưa đến đời ta khổ đau, sinh, già, bệnh, chết là do THAM DỤC danh, tài, sắc, ăn, ngủ. Và từ THAM DỤC, ta tạo ra TƯỞNG DỤC, tham, sân, si, mạn, nghi. (Tập đế).

c) Muốn làm chủ sinh, già, bệnh, chết và giải thoát đời ta hết khổ đau, thì ta phải đoạn diệt cho được TƯỞNG DỤC. Muốn đoạn diệt được TƯỞNG DỤC, thì ta phải giảm thiểu THAM DỤC.

Muốn giảm thiểu THAM DỤC, thì ta phải TU HÀNH để tự đưa THAM DỤC của chính ta xuống đến mức tối thiểu.

Muốn đưa được THAM DỤC xuống đến mức tối thiểu, thì ta tu tập để làm chủ cho được BAO TỬ. Bởi vì bao tử của ta là mầm mống, là nguyên nhân đưa đẩy ta phải làm nô lệ cho vật chất, ngõ hầu thỏa mãn THAM DỤC cho thân tâm ta. (Diệt đế).

d) Muốn tu hành đạt được thành quả mong muốn, tức là tiến đến tự làm chủ sinh, già, bệnh, chết trên thân tâm ta và giải thoát đời ta hết khổ đau, Phật đã để cho ta những pháp tu hành đã được chứng nghiệm qua các vị đã chứng quả Alahán. Họ đã ghi đầy đủ trong kinh Nikaya. Nếu ta tu tập đúng pháp Phật và đưa cho được MỘT pháp Phật nhập tâm thì chứng quả. (Đạo đế, hay Pháp đế).

Qua Tứ Diệu Đế: khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế (hay pháp đế), Phật dạy rõ ràng rằng: ta tu tập vì chính đời sống của riêng mỗi người. Và ta tu tập trên chính bản thân ta, và ta tự chiến thắng để làm chủ tham dục, ngõ hầu đoạn diệt tưởng dục trên thân tâm ta.

Điều tiên quyết là ta phải hướng tâm vào thân tâm ta và chỉ biết ta mà thôi. Nếu ta hướng ngoại, hướng đến tha nhân, hướng đến bá tánh là ta đã lạc vào 6 trần, bị 6 trần lôi ta trôi dạt vào hưởng phước trần gian.

Đừng đi tu nữa! Vô ích mà thôi!

Như vậy, việc tụng kinh, gõ mõ, van xin thần linh tưởng tượng thì rõ ràng là tâm ta đã hướng ngoại và tu hành sai pháp Phật, tức là tà pháp, phải không nào?

Bởi vì ta tu là ta tu cho ta, là ta tự gọt rửa thân tâm ta. Ta không tu tập, mà lại đi cầu cứu thần linh bá vơ, vô nghĩa lý. Quá rõ ràng là tà pháp rồi, còn ngụy biện làm chi nữa chứ?

Hành động đi xin xỏ, lạy lục người khác giúp mình tu hành cho cuộc đời mình thì rõ ràng là mình ngu, mình tu sai rồi. Van xin, cầu nguyện, rõ ràng vốn nó đã là bỉ ổi, thiếu khả năng tu hành rồi, phải không nào?

Giả sử rằng, trời Phật thần linh giúp được mình, thì chuyện gì xảy ra? Thì mình phải bị lệ thuộc vào họ rồi! Điều này đã tự xác nhận rằng việc làm của mình là ngu xuẩn, là bất chánh rồi, phải không nào?

Huống gì, chuyện thần thánh giúp mình là không có thực! Nếu có thực, thì họ giúp hết những người cầu xin tu chứng quả, chứ làm gì cầu nguyện van xin hàng mấy chục năm trời, leo lên hàng tôn sư, đại đạo mà bệnh rên xiết đau thương, vô nhà thương nằm vậy chứ?

Và hơn 2.500 năm qua, tăng ni tu theo đại thừa đã tự lộ chân tướng là THAM DỤC vĩ đại hơn, nhiều hơn! Tất cả tăng, ni, tu sĩ đại thừa đều cùng nhau hợp đoàn tận hưởng phước trần gian, lường gạt bá tánh để ăn hưởng bả lợi danh hôi hám!

Điều này minh xác rằng, họ là tà sư, chính là tà pháp! Đã là tà sư, tà pháp thì làm gì có CHÍNH NGHĨA, CHÁNH PHÁP, chứ, phải không nào?

Để dễ hiểu: Ở nhà trường, học sinh không lo học hành, suốt ngày chạy theo nịnh thầy cô, quỳ lạy van xin điểm. Thầy cô sẽ xem học sinh loại này là hạng người đáng khinh, phải không nào?

Sống mà không tu tập, chỉ biết gõ mõ, tụng kinh, kêu réo van xin ân huệ… Việc làm này, trẻ con cũng làm được, cần gì phải là nhà tu hành thâm niên, cao thâm khó lường chứ?

Nếu quả thực có trời, Phật, thần linh, thì chúng ta thử nghĩ: trên cương vị trời, Phật, thần linh, họ có chấp nhận loại người chỉ biết cầu nguyện, van xin không vậy?

Nếu giả sử rằng, trời, Phật, thần linh mà chấp nhận lời cầu xin của họ, thì loại trời, Phật, thần linh này không đáng cho ta tôn thờ. Không những thế, ta còn khinh bỉ, phỉ nhổ, phải không nào?

Như vậy, quá rõ ràng: Làm gì có trời, Phật, thần linh chứ? Toàn là dùng đạo đức giả lường gạt nhau mà thôi!

Thú thật! Trước khi biết chánh pháp, sống trong tà pháp, cùng quanh quẩn trong rừng u mê mê tín dị đoan, tất cả mọi người đều giống nhau. Đều hiểu lầm và quý trọng tăng ni đại thừa là cao nhân, là vĩ đại, đáng tôn kính.

Khi biết chánh pháp rồi thì thật là xấu hổ cho họ, và xấu hổ cho chính sự ngu ngốc của mình, phải không nào?

– Xấu hổ cho hàng tăng ni, là họ bị lường gạt đi làm nô lệ cho bả lợi danh, mà hàng tăng ni thông minh lại không hay biết gì cả! Hàng hàng lớp lớp tăng ni chúi đầu đi làm nô lệ vật chất và sống trong bả lợi danh hôi thối! Hết lớp này đến lớp kia, hết đời này đến kiếp tiếp theo, mà chả hề hay, chả hề biết! Không có người nào biết cả!

Xấu hổ cho chúng mình, hàng Phật tử thân thương kính Phật! Nhiều Phật tử, họ là những nhà uyên bác học tài cao vời vợi! Tiến sĩ, thạc sĩ, đại danh vang lừng, quyền uy ra oai trong xã hội! Bị lường gạt bao lâu nay, mà cứ ngỡ rằng chúng mình đã đóng góp không ngừng, hết đời này đến đời khác, để phụng sự, phát huy CHÂN LÝ GIẢ, THỜ PHỤNG ĐỒ GIẢ! Điên khùng mà có biết chi mô!

Càng vô duyên hơn nữa! Nhà sư giảng pháp thao thao bất tuyệt, và có cò mồi vỗ tay tạo vang dội huyên náo cả hội trường, lôi kéo mọi người vào hoan lạc, y như những buổi thuyết trình, hội thảo chính trị! Phật tử không còn cơ hội chánh kiến và chánh tư duy Phật dạy cho ta tu hành! Tất cả đều bị chìm vào đọc kinh, giọng trầm giọng bổng, ngân nga vang vang lời nguyện cầu, van xin trời Phật thần linh gia hộ PHƯỚC LỘC THỌ ảo tưởng, chìm trong khói nhang âm u mịt mù, hòa cùng điệu sống toàn là ảo tưởng, mơ hồ xa xôi vời vợi là an vui rồi!

Thật xấu hổ không ngờ! Ta đi tu là ta tự chiến đấu và chiến thắng với dục vọng của ta. Mắc mớ gì phải chờ giấy phép của chính quyền mới được đi tu chứ? Như vậy, rõ ràng rằng: tu sĩ đại thừa đi tu là tu cho chính quyền? Có nghĩa là đi tu để được quyền sinh hoạt chính trị! Không còn ý nghĩa đi tu là để gọt rửa đời ta tốt đẹp hơn, ngõ hầu làm chủ sinh, già, bệnh, chết và giải thoát đời ta hết khổ đau! Rõ ràng là tà pháp, phải không nào?

4. Vậy chánh pháp là gì?

Alahán Thích Thông Lạc diễn giảng đúng lời gốc Phật dạy, và thầy Thanh Thiện diễn đạt rõ ràng cho mọi người cùng nhận biết.

Ta tu và gọt rửa lấy ta. Ta phải chiến thắng THAM DỤC của lòng ta. Muốn đoạn diệt TƯỞNG DỤC, thì ta phải tự giảm thiểu THAM DỤC.

Tham dục có được là do bao tử ta sai khiến. Vì vậy, ta phải tự làm chủ bao tử ta.

Muốn làm chủ được bao tử ta, thì ta phải ăn chay mỗi ngày một bữa. Khi ta ăn mỗi ngày một bữa thuần thục rồi, thì các dục khác từ từ tuột xuống. Nhất là dâm dục, rất hấp dẫn cho cuộc sống hằng ngày của ta. Nhờ ăn mỗi ngày một bữa vừa đủ nuôi thân, ta không còn bị kích DÂM DỤC nữa.

Dâm dục ta không còn ham, thì những dục khác ta đâu cần đến nữa! Khó nhất là dục ngủ. Nhưng bây giờ, ta an vui ham thích tu tập, thì dục ngủ từ từ giảm xuống dễ dàng mà thôi.

Ngoài ra, tham dục gia tăng là do 6 căn của ta bị 6 trần quyến rũ, lôi kéo. Việc 6 trần lôi kéo vô cùng hùng mạnh và thôi thúc triền miên, liên tục, mạnh như dòng thác nước từ trên cao trút xuống.

Phật gọi là DÒNG THÁC THAM DỤC (bộc lưu).

Vì vậy, để tránh dòng thác tham dục lôi kéo, ta cần phải sống độc cư, để không còn bị 6 trần quyến rũ, lôi kéo 6 căn ta chạy theo bả lợi danh hôi thối!

Tóm lại, muốn tu theo chánh pháp thì:

  • Trước tiên, ta phải sống độc cư.
  • Tiếp đến, ta ăn mỗi ngày một bữa, tiền không dính túi, phải chấp nhận sống cuộc đời bần hàn, cơ cực nhất trần gian.

Làm như vậy được rồi, bấy giờ hãy nghĩ đến chuyện đi tu. Nếu chưa thực hiện được đời sống cơ bản, thì đừng đi tu, phí thời giờ vô ích mà thôi!

Chánh pháp rất đơn giản, quá rõ ràng, phải không nào?

Vấn đề là: Ta có chiến thắng được tham dục lòng ta hay không?

Ta chiến thắng được tham dục lòng ta, thì rõ ràng ta đang trên đường tiến đến làm chủ sinh, già, bệnh, chết, và giải thoát đời ta hết khổ đau, NGAY TRONG KIẾP NÀY, không phải tu hành vô lượng kiếp đâu nhé!

5. Phật không có kinh.

Thời Phật truyền pháp, Phật không cho ghi chép, tại vì ghi chép là sai nguyên lý. Bởi vì, ghi chép là phát triển KIẾN THỨC. Giống như ở học đường là đào tạo kiến thức cho con người.

Trong khi đó, ngược lại, tu hành theo Phật Thích Ca thì không được dùng KIẾN THỨC, bởi vì tu đúng theo pháp Phật thì phát triển TRI KIẾN GIẢI THOÁT, hay còn gọi là TRÍ HUỆ, và loại hiểu biết này ngược lại với KIẾN THỨC ngoài đời.

Cho nên, có KIẾN THỨC thì không có TRI KIẾN GIẢI THOÁT, hay có TRI KIẾN GIẢI THOÁT thì không có KIẾN THỨC.

Có nghĩa là: học hỏi trong sinh hoạt xã hội loài người để tiến bộ và phát triển đời sống thế gian thì trau dồi KIẾN THỨC – VÔ MINH.

Còn những ai muốn tu tập đúng pháp Phật thì phải đoạn diệt KIẾN THỨC để TRI KIẾN GIẢI THOÁT phát triển, ngõ hầu tu hành tiến đến chứng quả GIỚI – ĐỊNH – TUỆ – MINH. Có VÔ MINH thì không có MINH đó vậy. Đây là nguyên lý đấy nhé.

Như vậy, Phật không có kinh. Tất cả kinh sách đại thừa là kinh giả. Đã là kinh giả thì đó là PHÁP GIẢ, hay là TÀ PHÁP. Vậy thì, những ai tu theo TÀ PHÁP đều là TÀ SƯ, phải không nào?

6. Kinh sách đại thừa là kinh giả, tại sao đọc lên nghe hay và hấp dẫn quá vậy?

Đúng vậy, rất hấp dẫn, rất chí lý, rất ly kỳ. Nhờ hấp dẫn, ly kỳ, chí lý như truyện tiểu thuyết, mới dụ dỗ 6 căn của hành giả say mê và lọt vào mê hồn trận tu hành, đưa đẩy hành giả chìm nghỉm vào bả lợi danh hôi thối.

Rõ ràng quá, phải không vậy?

Tu mà để hưởng bả lợi danh hôi thối, tu mà không làm chủ được sinh, già, bệnh, chết và giải thoát đời ta hết khổ đau, vậy đi tu làm gì cho uổng phí đời tu học vậy?

7. Là kinh giả, tại sao khi đọc lên cảm thấy an tâm, vui vẻ vậy chứ?

Đúng! Kinh đọc lên cảm nhận AN VUI, HOAN LẠC. Nhưng tuyệt đối không có AN TÂM gì cả. Phật tử phải phân biệt cho được AN VUI, HOAN LẠC và AN TÂM (hay TÂM BÌNH AN) là hai hành động khác nhau nhé.

8. Vậy thì, kinh Nikaya không phải là kinh Phật sao?

Đúng vậy! Kinh Nikaya không phải là kinh Phật.

Khi Phật rời trần gian, thì quý vị Alahán thương nghĩ đến thế hệ mai sau. Kinh Nikaya là kinh do hơn 500 đệ tử của Phật đã dùng pháp Phật tu hành chứng quả Alahán, họ ghi lại cho hậu thế NGHIÊN CỨU TU TẬP.

Mỗi vị ghi lại những lời mà Phật dạy cho từng vị, và họ đã dùng pháp Phật dạy, tu tập, chứng đạt chân lý. Nói rõ ràng hơn, những pháp này đã được chứng nghiệm qua sự tu tập thành đạt mà mỗi vị đệ tử Phật tu tập hoàn thành.

Điều quan trọng cần nên biết: Phật dạy mỗi vị Alahán một pháp, và chỉ tu cho pháp đó nhập tâm thì chứng quả Alahán.

Cho nên, Phật có dạy rằng: Nếu ai nương theo sắc tướng Ta và kêu réo xin Ta điều gì thì không gặp NHƯ LAI.

Bất cứ người nào, dùng pháp Ta tu tập nhập tâm thì gặp Như Lai, tức là chứng quả. Chỉ một pháp mà thôi. Pháp nào hợp với đặc tướng của mình thì mình dùng.

Ví như, pháp TỨ NIỆM XỨ hợp với đặc tướng của thầy Thông Lạc. Ngài dùng pháp đó tu tập miệt mài trong 6 tháng. Pháp TỨ NIỆM XỨ nhập tâm, thì Ngài chứng quả Alahán.

Thật đáng thương cho những ai ngu si! Họ thấy thầy Thông Lạc dùng pháp TỨ NIỆM XỨ tu chứng quả, thì họ tưởng lầm rằng ai dùng pháp TỨ NIỆM XỨ cũng tu chứng quả? Pháp Phật không hợp với đặc tướng mình, thì không bao giờ tu đạt thành chân lý được đâu à!

Vì vậy, thầy Thanh Thiện giải thích rằng:

a) Thời Phật truyền pháp, Phật biết rõ được đặc tướng từng người, mà Ngài trao pháp thích hợp với người đó. Một khi họ miệt mài tu tập, đưa pháp Phật nhập tâm, thì họ chứng quả ngay tức thì.

b) Đối với người thời nay, không một người nào biết được đặc tướng của mình cả, dù người đó chứng quả Alahán. Cho nên, muốn biết được đặc tướng của mình để chọn pháp, Phật dạy cho quý vị Alahán, được ghi trong kinh Nikaya, ta chỉ được quyền chọn một pháp mà thôi và miệt mài tu tập để pháp đó nhập tâm là chứng quả tức thì.

Muốn chọn được pháp Phật cho riêng mình, thầy Thanh Thiện dạy rằng: Cần phải dùng NHƯ LÝ TÁC Ý, tu tập 6 pháp căn bản là để có khả năng tự chọn một pháp riêng cho mình, khi có quyết định nhập dòng thánh tu hành.

c) Nếu may mắn, pháp ĐỊNH SÁNG SUỐT nhập tâm ta, thì ngay lập tức ta chứng quả liền. Nên nhớ, 6 pháp căn bản không phải nhập tâm là chứng quả đâu nhé. Đó là ta tôi luyện nền tảng căn bản để ta có khả năng tu tập mà thôi. Nếu không tu tập 6 pháp căn bản, thì việc tu tập trở nên mơ mộng, viển vông, vô ích mà thôi! Không thể nào 6 pháp nhập tâm. May ra có được một pháp hợp với ta nhập tâm, thì ta chứng đạo.

9. Khoa học phụng sự nhân loại:

Hiện tại, khoa học phát triển phụng sự nhân loại, phát triển càng ngày càng tân tiến, thỏa mãn THAM DỤC cho ta.

Ta cảm nhận rằng đời ta quá sung sướng. Ta bị rơi vào tình huống MẬT NGỌT CHẾT RUỒI! Thân xác ta được thỏa mãn, được sung sướng đê mê! Hả dạ, sướng lòng! Tham dục danh, tài, sắc, ăn, ngủ đều tận hưởng KHOÁI LẠC TRẦN GIAN! Tưởng dục, tham, sân, si, mạn, nghi tăng trưởng tột cùng!

Bây giờ, làm sao ta thoát ra để tu hành, làm chủ được BAO TỬ ta đây? Ta như ruồi, chân đã bị dính chặt vào mật mất rồi! Đứng lại thì chìm trong bả lợi danh hôi thối. Đi tới thì bị dòng thác tham dục kéo trôi vào bả lợi danh.

Muốn vượt qua thì phải TU HÀNH. Nhưng tu hành như thế nào đây? Khi ta đang ham vui bơi lội, ngụp lặn với tràn đầy tham dục trần gian?

6 căn của ta bị 6 trần lôi kéo:

  • Mắt ta say đắm người đẹp hoàn vũ, cảnh đẹp trần gian!
  • Tai ta mãi nghe âm thanh ngọt ngào, sống động, thúc giục lòng ta!
  • Miệng ta rượu nồng hòa cùng cao lương mỹ vị, ngọt lịm tận đáy lòng!
  • Ngủ đêm không đủ, ngày ta ngủ thêm.
  • Radio, TV, văn nghệ rộn rịp, vang vang lời chào gọi không ngừng nghỉ…

Chao ôi! Sung sướng quá đi! Tuy ý thức ta biết rõ đời ta là tạm bợ, nhưng TƯỞNG THỨC đưa ta say sưa, đắm chìm trong hoan lạc hồng trần! Làm sao tu tập đây?

10. Để giúp cho những ai đã ý thức và quyết tâm muốn thoát DÒNG THÁC THAM DỤC.

Nhờ sự chỉ dạy của Alahán Thích Thông Lạc, thầy Thanh Thiện đã tu tập đúng pháp Phật và đạt được thành công.

Nay, thầy Thanh Thiện san sẻ lại cho HÀNH GIẢ, để từ đó HÀNH GIẢ tự tu tập hằng ngày như tập thể dục thẩm mỹ vậy.

Lúc đầu, tập với thời gian ngắn cho quen. Khi quen rồi thì từ từ tăng dần thời gian lên. Khi thời gian tu tập được tăng lên, chiếm trọn thời gian sinh hoạt của đời ta, thì lúc đó là cơ hội, là duyên đã đến, là hành trang đầy đủ tuyệt vời để ta nhập dòng thánh tu hành, ngõ hầu tiến đến đạt được làm chủ sinh – già – bệnh – chết và giải thoát đời ta hết khổ đau, trong thoải mái, an khang, tinh tấn không ngừng.

Pháp tu tập nhẹ nhàng, khoan thai, tuyệt vời nhất thế gian!

11. Điều quan trọng ta cần phải hiểu rõ rằng: Ta đi tu là để dứt nợ nhân quả trần gian.

Vì vậy, ta cần phải sống cuộc đời bần hàn nhất thế gian! Chứ không phải là ta phải trả hết nợ rồi mới đi tu nhé.

Trả hết nợ thì chừng nào mới hết chứ?

Hết nợ này thì nợ kia đến, cho đến khi ta chết, nợ vẫn còn đeo dính mãi trên thân tâm ta đó vậy.

Muốn biết tu như thế nào mà dễ quá vậy? Tuy dễ, nhưng không mấy người lớn tu được đâu nhé! Và trẻ con thì tuyệt nhiên tu chưa được. Khác với tu theo tà pháp, trẻ con lớp 5 tu được rồi!

Là bởi vì, hành giả phải chiến thắng cho được tham dục, phải cắt đứt ái kiết sử, phải ăn chay mỗi ngày một bữa và phải sống độc cư, tiền không dính túi, một mình âm thầm sống cô đơn, không nói chuyện với ai cả!

Rõ ràng, chỉ có người đã ý thức và quyết tâm, quyết chí mới tu được mà thôi. Như vậy, người đó mới xứng đáng là THÁNH NHÂN, khiến cho mọi người kính cẩn tôn sùng, phải không nào?

Hãy vào trang web của thầy Thanh Thiện: thaythichcadaytuhanh.net để tham khảo những bài pháp tu tập thầy Thanh Thiện đã dày công ghi lại cho hậu thế, mà từ từ nghiên cứu cho ra lẽ nhé.

Đồng thời, hành giả chỉ tin có mỗi Alahán Thích Thông Lạc mà thôi.

Hãy đọc kinh sách của Ngài mà hiểu chánh pháp và tinh tấn tu tập, thì chứng đạt chân lý ngay trong kiếp này, không cần phải chờ đến kiếp sau.

  Tổng khách đã truy cập
3149

Tin Mới Nhất

Video (Có bản English)

Bài giảng mồng một Tết nhâm dần - Thầy Thích Ca dạy tu hành

Phạm Quang Qúy: Nhận định rằng: Phật Thích Ca dạy ĐI NGƯỢC

Thầy Thanh Thiện đã tu tập như thế nào? Thầy Thích Ca dạy tu hành

Thầy Thích Ca dạy thân hành niệm - Thầy Thích Ca dạy tu hành

Fanpage