Nguyen Thuy Linh hỏi:
Thầy ơi, con vẫn còn thắc mắc. Nếu như người nào đó không giác ngộ ra điều này (đọc bài VÔ NGÃ LÀ GÌ? BẢN NGÃ LÀ CHI?…), khi nghe câu trên, họ sẽ vướng mắc vào chấp ngã, vào chủ nghĩa cá nhân, như vậy sẽ thật nguy hại.
Con thực sự vẫn chưa thông suốt đoạn kinh này là thế nào thưa thầy:
“Tôn giả Kassapa nên biết: Vạn pháp từ nhân duyên sanh và cũng do nhân duyên mà diệt. Cái này sanh vì cái kia sanh, cái này diệt vì cái kia diệt. Đó là nguyên lý duyên sinh mà tôi đã khám phá được nhờ thiền quán. Trong thực tại, không có một cái gì đồng nhất và bất biến. Không có ngã, dù là đại ngã hay tiểu ngã. Này tôn giả Kassapa, ngài đã từng quán chiếu về thân-thể, cảm thọ, tâm tưởng, tâm hành và tâm thức chưa? Con người có mặt là do sự tập hợp và vận hành của năm uẩn ấy. Đó là những dòng biến chuyển liên tục, trong đó không có một yếu tố nào thường tại.”
Trả lời:
Thầy không giảng lý thuyết đâu nhé. Bởi vì khi bàn về lý thuyết là đưa con chìm sâu vào lý thuyết vu vơ, mù mờ, vô nghĩa lý, không có lợi gì cho con, mà thầy tỏ ra là thông thạo và ba xạo với người chưa biết mà thôi!
Thầy chỉ dạy pháp tu hành để con đạt được chân lý, thì con sẽ rõ được như thầy, con sẽ hiểu Phật pháp rõ ràng mà thôi.
Ví dụ:
Thầy đã vượt qua bao khó khăn mới đến được chợ SÀI GÒN. Bây giờ, thầy dạy cho con những phương cách để con đi đến chợ SÀI GÒN.
Nếu con muốn biết chợ SÀI GÒN ra sao, thì con cũng nên vượt qua được khó khăn con sẽ gặp phải. Khi đến chợ SÀI GÒN, thì con cũng nhìn thấy như thầy mà thôi. Nếu thầy chỉ tả chợ SÀI GÒN cho con biết, thì thầy đầu độc, dẫn dắt con vào u mê qua tưởng nghĩ, mơ mộng xa vời.
Con mãi u mê mơ mộng mà quên việc cần thiết là: con phải tu học cách vượt qua khó khăn nhằm đến chợ SÀI GÒN mới là điều cần thiết.
Cho nên, thầy khuyên các con, khi đọc TỨ DIỆU ĐẾ, có đồng ý là mình đang ngụp lặn trong bả lợi danh hôi hám không? Có đồng ý cuộc sống của mình là tạm bợ, là sinh, già, bệnh, chết không? Có muốn vượt qua đau khổ không?
Nếu đồng ý, thì ta nên đọc: 8 CHÁNH ĐẠO, 12 NHÂN DUYÊN, 37 PHẨM TRỢ ĐẠO, 5 UẨN và 6 CĂN, 6 TRẦN, 6 THỨC, rồi bắt tay tu tập để vượt qua dòng thác tham dục như thầy. Rồi, những gì con muốn biết thì sẽ xuất hiện SỰ THẬT trước mắt con. Đơn giản chỉ có vậy thôi.
Giống như con muốn có cái bánh, thì con y theo lời dạy của sư phụ mà làm theo thì có cái bánh. Còn con hỏi lý thuyết về cái bánh, thì con bị rơi mãi vào lý thuyết, mà không thể nào làm ra cái bánh đó vậy. Bởi vì lý thuyết sẽ dẫn dắt con mãi chìm vào suy tư, tưởng nghĩ xa vời.
Cho đến khi con chết thì cũng chưa có bánh. Chi bằng, con bắt tay làm y theo sư phụ dạy để có bánh trước, phải không nào? Rồi, con cầm cái bánh lên ngắm nghía, từ từ con suy tư cũng chưa muộn mà!
Phật có dạy người bị trúng tên: “Hãy để ta cứu nhà ngươi trước cái đã. Nếu không, nhà ngươi chết rồi, thì làm sao biết được câu trả lời mà nhà ngươi muốn hỏi chứ?”
Tuy nhiên, thà là thầy làm thinh. Nhưng thầy đã mở lời khuyên con, thì thầy cũng nên cho con hiểu sơ sơ điều con muốn biết. Nếu không, con sẽ tưởng nghĩ và xuyên tạc rằng: “Biết đâu ổng không biết? Ổng nói cho qua chuyện để chạy làng nhỉ?”
Nôm na, câu trên Phật dạy cho Kassapa biết: Vạn pháp vô thường, hãy buông bỏ hết đi, đừng chấp ngã nữa.
1. Câu nói “chả có đại ngã, chả có tiểu ngã” có nghĩa là chỉ có Ta mà thôi.
Sở dĩ ta chấp vào ngã là vì ta đem ta dính vào những gì chung quanh ta, thành ta chấp ngã. Có nghĩa là: bấy giờ mới có ngã. Vì ta chấp ngã, cho nên ta mới so sánh đại ngã và tiểu ngã.
Từ đó mới có đại ngã và tiểu ngã qua TƯỞNG THỨC của ta mà thôi. (ÁI KIẾT SỬ)
Để con dễ hiểu: Thân con, không có gì hết. Bây giờ, con lấy chiếc áo mặc vào, lấy chiếc vòng cẩm thạch hay đồng hồ Omega đeo vào. Lúc bấy giờ, con chấp ngã: “Chiếc áo này là của ta”, và “chiếc cẩm thạch này là của ta”, “chiếc đồng hồ Omega là của ta.”
Từ chấp ngã, ta cho chiếc áo này đẹp hơn, ta cho chiếc vòng này đắt hơn, chiếc đồng hồ Omega hoành tráng hơn. Đã chấp ngã thì phải có so sánh. Đúng vậy không nhỉ?
Nếu con không mặc, không đeo gì cả, thì những thứ đó không có liên quan đến con, thì con đâu còn chấp đến chúng để làm gì? Phải không nào? Con không chấp đến chúng, thì đâu có còn ngã nữa. Đúng vậy không hả?
2. Câu kinh được trích ra ở trên, bị các nhà sư hiểu lầm và dạy sai cho Phật tử. Thật nguy hiểm!
Sẵn đây, thầy giảng giải rõ ràng về câu kinh trên để các con khỏi bị lầm chấp nhé:
a) Thầy Minh Châu, ngài tu theo Đại thừa, và ngài đã bị tà giáo đưa ngài mê man vào TÂM THỨC.
Có nghĩa là, ngài đã bị hiểu lầm và lầm chấp rằng tâm có tâm thức, có tâm linh, có tâm biết.
Cho nên ngài dịch ra: Tâm hành, Tâm tưởng, Tâm thức. Dịch vậy là không đúng!
b) Rất tiếc cho cuộc đời tu hành của thầy Minh Châu! Nếu thầy Minh Châu còn thời gian để tu tập qua chánh pháp, nằm trong kinh Nikaya, mà ngài đã dày công dịch ra Việt ngữ hơn 20 năm với hơn 43 tập kinh dày, và ngài bị đeo theo bệnh bại xuội vì dịch kinh…
Nếu ngài chứng đạt, PHẢI CHỨNG ĐẠT, thì ngài sẽ thấy: ngài dịch sai với tâm hành, tâm tưởng, tâm thức đó vậy.
- Tại sao lại thế?
- Tại vì trong thân ta có rất nhiều cơ quan. Mỗi cơ quan có nhiệm vụ riêng của nó.
Ví như:
1. Ta có 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mỗi uẩn có nhiệm vụ riêng.
Tưởng thức thì có khuynh hướng thỏa mãn THAM DỤC cho ta. Ý thức (sắc) có khuynh hướng hướng thượng, muốn ta là THIỆN NHÂN.
Thọ, đón nhận và phân tích cho ta cảm giác. Hành là thiên lôi cho ta sai khiến. Thức, đừng để ý, bởi vì khi tu hành chứng đạt tam minh thì thức mới bắt đầu làm việc.
2. Ta có 6 căn, thì mỗi căn có chức năng riêng của nó. 6 căn tiếp nhận 6 trần.
Từ 6 trần, khi 6 trần được đưa vào, thọ cho ta cảm giác: nóng lạnh, nhám trơn, đau đớn hay êm ả, mềm cứng, thơm thúi…
Khi nhập vào sắc, thì biết xanh hay đỏ, trắng hay vàng, đẹp xấu, thiện ác… Từ đó mới có sự chọn lựa, gọi là thức. Thức là biết và chọn lựa. Do đó, qua 6 căn mới có thức.
Sự lựa chọn này là do tưởng thức và ý thức. Bên nào thắng thì Ta theo bên đó mà ra lịnh cho hành làm việc. Ví như ta là vua, tưởng thức và ý thức là nịnh thần và trung thần, đó vậy.
3. Còn TÂM, nó như con nít. Nó chỉ thích và đòi sướng, nó không biết và không chọn lựa được, cho nên tâm không có tâm linh, tâm thức gì cả.
Tâm chỉ thích đòi sướng cằn nhằn, giống hệt bé: thích ăn, thích ngủ, thích chơi. Thấy đèn là chụp, không cần biết nóng lạnh là gì. Khi bị phỏng tay, chữa lành xong rồi, bây giờ gặp đèn là chụp nữa, chứ không sợ gì cả.
Quá rõ phải không? Tâm y chang vậy đó. Con nít, người lớn dạy sao thì nó làm y vậy.
Dạy nó có thần linh tào lao, khi lớn lên thì nó cũng tin có Phật, Chúa tầm phào! Dạy nó sống vì bao tử, khi lớn lên, vì bao tử mà nó đành làm nô lệ cho vật chất!
Từ khi chào đời, được cha mẹ, người thân nuôi dưỡng, nuông chiều, mơn trớn như thế nào thì TÂM quen thuộc như vậy. Và thân càng lớn thì SỰ QUEN THUỘC phát triển mạnh mẽ bao bọc TÂM.
Có điều đặc biệt là tâm quen thuộc với tưởng thức quá sớm và đeo đuổi theo tưởng thức suốt đời. Cho nên, tâm đón nhận và học hư thỏa mãn tham dục sướng thân thì dễ dàng.
Sau khi trí óc ta trưởng thành, Ý THỨC ta biết sai. Bây giờ hướng tâm từ bỏ tham dục sai lầm thì quả thật là vô cùng khó khăn.
Muốn từ giã bớt tham dục thì phải tu hành. Muốn tu hành đến thành công thì phải luôn luôn, thường xuyên và trường kỳ, dùng pháp như lý tác ý để xóa dần đi hình ảnh sai lầm đã và đang bao bọc, phủ trùm TÂM.
Nhờ đó, TÂM mới dần dần đón nhận thiện pháp. Hãy tự nghiệm đi, đừng tin vào thầy Thanh Thiện nhé. Thầy Thanh Thiện đã đạt được và thấy sao, ghi y lại như vậy mà thôi (vô lậu).
Phật có dạy cho Kàlàmà rằng:
“Khi có chuyện gì, con đừng tin và cũng đừng vội bỏ nghe con. Con hãy chánh kiến, chánh tư duy cho rõ ngọn ngành, đó là thiện pháp hay ác pháp? Nếu là thiện pháp, con nên đón nhận, bởi vì thiện pháp luôn có lợi cho đời con.”
4. Ta tu tập ở đây là tu TÂM, tức là ta tẩy xóa những hình ảnh trong quá khứ sai lầm đang bao phủ TÂM.
Mà quá khứ sai lầm này đã bị ràng buộc bởi vô số sợi dây vô hình. Muốn cắt đứt sợi dây vô hình thì phải dùng pháp vô hình, tức là như lý tác ý mà Phật dạy cho ta.
Bởi vì những thói hư tật xấu, nó bao bọc tâm từ từ, tịnh tiến từ mới sinh cho đến khi Ý THỨC trưởng thành.
Cho nên, ta phải dùng pháp như lý tác ý, luôn luôn, thường xuyên và trường kỳ, mới tẩy dần dần hình ảnh sai lầm đang bao phủ tâm.
Khi tâm sáng rồi, thì ta mới đưa tâm hướng vào THIỆN PHÁP. Nhờ đó, ta mới tu hành chứng đạt chân lý.
5. Rõ ràng, tâm không có tâm biết. Tâm không có tâm linh. Tâm không có tâm thức gì cả.
Tâm chỉ là tâm. Tâm là cơ quan đón nhận những gì từ 6 trần và đưa qua tưởng thức hay ý thức lựa chọn.
Sau khi có sự lựa chọn xong rồi, thì ta sai hành làm việc. Giống như ở triều, nịnh thần – trung thần bàn cãi, vua thích bên nào thì ra lệnh cho triều đình làm việc.
Nhà vua thích nịnh thần hơn, bởi vì nịnh thần nói ái ngữ, êm tai, thỏa dạ, mát lòng! Và thỏa mãn tham dục cho vua!
Một người đẹp chưa đủ, thêm hoa hậu nữa, chưa vui. Vậy thì nịnh thần xây nam – bắc – đông – tây cung, cho vua sướng đủ 4 mùa!
Vua chưa hài lòng. Nịnh thần chơi tới luôn! Bắt hết đàn ông phục vụ trong cung đem THIẾN hết, để vua không còn nghi ngờ, lo ngại gì cả!
Ví dụ 1:
Trần đưa hình ảnh khác phái đến tâm. Tâm đòi, bộ máy kích dục làm việc. Ngay trong lúc này, tưởng thức và ý thức tranh nhau, đưa ta đến quyết định.
Nếu tưởng thức quá mạnh thì ta có hành động bạo hành. Nếu ý thức mạnh một chút thì ta thong thả tán tỉnh, mơn trớn.
Nếu ý thức mạnh thêm chút nữa thì ta bỏ qua. Ý thức bao giờ cũng yếu hơn tưởng thức. Đã vậy, cộng thêm tâm lại muốn sướng, muốn thỏa mãn dục vọng.
Cho nên, ta thường theo ý của tưởng thức mà không thích ý thức, là vậy đó!
Ví dụ 2:
Trần đưa đồ ăn đến tâm. Tâm đòi, bao tử làm việc. Tưởng thức mạnh thì ta ăn.
Ý thức xuất hiện thì ta còn lựa chọn mà vẫn phải ăn. Khi ý thức mạnh thì ta bỏ ăn. Ý thức bao giờ cũng yếu hơn tưởng thức.
Nhưng nhờ có tu tập, thao luyện thì ý thức vươn lên gần bằng tưởng thức mà thôi.
Có điều nên hiểu thêm: Nịnh thần không giết được, giết nịnh thần thì vua chết luôn. Chỉ giết được trung thần.
Tưởng thức không giết được và rất cần đối với ta. Ý thức giết được, giống như người mất trí, họ không còn ý thức, nhưng họ vẫn sống.
Giống đầu người óc heo, họ không có ý thức, nhưng họ vẫn sống. Họ chỉ biết ăn, ngủ, làm tình và hỗn xược với người dạy khôn cho họ mà thôi!
6. Rõ ràng để ta hiểu. Nếu TÂM mà là TÂM BIẾT, TÂM THỨC, TÂM LINH, thì ta đâu có cần đi tu làm gì nhỉ?
Tâm rong chơi, đến một ngày TÂM nhận ra sai lầm, rồi tâm chọn THIỆN PHÁP, thế là xong rồi. Ta trở thành thánh nhân. Đâu cần phải đi tu làm gì cho mệt.
Bởi vì ta tu hành là đưa tâm vào sống trong THIỆN PHÁP. Thầy Thanh Thiện giảng giải quá rõ ràng, phải không?
Ta tu là để đưa tâm vào sống trong từ trường thiện. Nhờ tâm sống trong từ trường thiện thì ta mới nhập được thiền định. Nhờ nhập được thiền định thì ta mới chứng đạt chân lý.
Để cho dễ hiểu: bé rất quan trọng với mẹ. Mẹ muốn làm việc thì mẹ phải dỗ cho bé ở yên. Bé ở yên thì mẹ mới làm được việc. Nếu bé lào xào thì mẹ không làm được gì cả. Bé ngoan thì mẹ yên thân, bé hư quậy phá thì mẹ bực mình.
Khi ta chứng đạt thì ta thấy rõ ràng như vậy mà thôi! Vô lậu.
7. Chính ngay trong đoạn kinh này, nếu hành giả không chịu tu tập thì sẽ hiểu sai, mà thầy Thông Lạc gọi là CHIM HỌC TIẾNG NGƯỜI.
Mà thầy Thanh Thiện khuyên rằng: phải hiểu qua pháp hành, chứ hiểu qua lý thuyết, nghĩa từ ngữ học đường thì lạc vào rừng lý thuyết vu vơ.
Nơi đoạn kinh này có viết: PHÁP NÀY DIỆT THÌ PHÁP KIA DIỆT, pháp này sanh thì pháp kia sanh. Không thể hiểu pháp này diệt thì pháp kia diệt, pháp này sanh thì pháp kia sanh được đâu à!
Bởi vì pháp là một đơn vị. Dù nó có liên kết tạo thành một pháp khác hay một khối, thì pháp này diệt mà pháp khác vẫn còn tồn tại.
Phật chỉ dạy cho con người và chỉ con người mà thôi. Đó là 12 nhân duyên. Có duyên này thì có duyên kia. Và một duyên bị diệt thì tất cả các duyên khác cùng tan biến. Phật có dạy đừng tin vào kinh điển nhé!
Ngoài ra:
- Tại sao Phật chỉ dạy cho con người 12 nhân duyên?
- Tại vì con người mới biết khổ, mới biết sinh, lão, bệnh, tử và mới biết tu tập để giải thoát, không còn làm người khổ đau. Tại vì trong 12 nhân duyên này, nó kèm theo chữ KHỔ nữa.
Có người hỏi Phật rằng:
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải ta làm cho ta khổ không?
- Không phải vậy!
- Có phải người khác làm cho ta khổ không?
- Không phải vậy!
- Có phải chúng ta làm cho ta khổ không?
- Không phải vậy!
- Vậy thì tại sao ta khổ, hỡi Tôn giả Gotama?
- Đó là 12 nhân duyên!
Rõ ràng quá, phải không nào? Chỉ có 12 nhân duyên mới có nguyên lý rằng: có duyên này thì có duyên kia. Nếu một duyên bị diệt thì 11 duyên kia đều tan biến.
Chứ không phải là: có pháp này thì có pháp kia; pháp kia diệt thì pháp này mất nhé. Hiểu sai rồi! Pháp này có, có cái bàn; thì pháp kia có, có cái ghế. Rõ ràng, cái bàn gãy mà cái ghế vẫn còn nguyên kia mà!
8. 12 nhân duyên này là pháp tu hành Phật dạy, và thầy Thông Lạc triển khai tài tình cho hành giả hiểu rõ ràng qua 12 CỬA VÀO ĐẠO.
Có nghĩa là hành giả tu tập để phá đi một cửa thì chứng quả. Đừng hiểu lầm rằng phá là đập phá như dỡ nhà cửa đâu nhé! Mà là tu tập để có khả năng diệt đi một duyên thì chứng đạo.
Thầy Thông Lạc dạy rằng: dễ dàng nhất cho hành giả là phá cửa SANH.
Đây là bằng chứng cho Phật tử biết được: toàn thể sư sãi lừng danh trên toàn thế giới chưa ai biết 12 nhân duyên là pháp tu hành để đạt chân lý, phải không nào?
Chỉ có A-la-hán Thích Thông Lạc mới biết mà thôi. Bởi vì họ không biết, cho nên họ dạy sai cho Phật tử. Họ bảo rằng SANH là sanh đẻ. Từ hiểu sai và dạy sai, nên thầy chùa lấy vợ sinh con, bá tánh nuôi, khỏi mất công sức! Thầy tu đại thừa sướng thiệt!
Con nít tu cũng được, chứ cần gì phải uyên thâm, thạc thức, cao siêu Phật pháp chứ, phải không nào? Họ chỉ cần biết nuôi nhiều CÒ MỒI là vang danh trong xã hội và giàu sang phú quý một phương trời!
9. Bởi vì thầy không còn nhiều thì giờ để giảng pháp nữa, cho nên thầy giảng để ai ghi được, học được thì ghi nhé.
Tiện đây, thầy cho biết câu chuyện giữa Phật tử Li Chan và đại sư Thích Tâm Tịnh nhé.
Thầy Tâm Tịnh dạy rằng: Phật cũng vô tình giết người.
Li Chan cho rằng: Con không thể tin được điều này! Đã thành Phật thì làm sao có chuyện vô tình giết người chứ? Không thể tin, không thể tin!
Thầy Thanh Thiện giải thích rằng: Sự thật vẫn là sự thật. Phật còn sống trong thế gian thì còn nhân quả. Bởi vì Phật còn ăn, uống, tắm rửa, giặt giũ, còn tiếp duyên thì còn giết người.
Tại sao vậy chứ?
Tại vì có giết vi trùng. Vi trùng đối với Phật là chúng sanh. Ngoài ra, Phật còn giảng pháp, tức là Phật còn sinh sự với tà đạo. Tà đạo và tín hữu của họ là loại đầu người óc heo, coi Phật là kẻ thù. Họ coi chánh pháp không đội trời chung, thì rõ ràng còn có nhân quả, phải không nào?
Chỉ khi nào đa số Phật tử cần chánh pháp thì mới cứu được đầu người óc heo theo chánh pháp, để cùng hưởng đạo đức nhân bản, nhân quả tuyệt vời nhất thế gian. Lúc đó, nhân quả mới nhẹ bớt mà thôi!
Tại sao khi chứng quả, quý vị A-la-hán muốn vội vàng rời trần gian vậy chứ?
Tại vì họ sợ nhân quả. Họ thấy hết duyên rồi, ở lại cũng không giúp được gì, mà nhân quả càng nhiều thì càng nặng nợ, họ khó nhập Niết bàn.
Là vậy đó! Nếu có đông Phật tử chịu tu học theo Chánh Pháp thì họ mới nán lại mà dạy pháp, phải không nào?
Đa số Phật tử chỉ thích chánh pháp, chứ chưa nhập tâm muốn tu theo chánh pháp. Đúng vậy không nhỉ? Là đệ tử, xin quy y trực tiếp thầy Thông Lạc mà còn ăn mạng động vật.
Thật là buồn đau!