vi en

TA LÀ AI?

Trước hết, thầy mong quý Phật tử thân thương, thương kính thầy Thông Lạc, hiểu được điều thầy viết!

Phật có dạy rằng: Nếu dạy cho Phật tử điều gì mà Phật tử không thể nào hiểu được, thì có nói láo trong ta!

Có nghĩa là, Ngài dặn thì đừng có dạy!

Vì vậy, điều rất khó khăn, là những gì thầy thấy và biết, thầy đang cố gắng giảng xuống thấp nhất, bình dân nhất, để mọi người cùng cảm nhận được. Câu hỏi này rất thực tế và cần thiết đối với hành giả, nhằm tin vào những gì Phật dạy mà an tâm tinh tấn tu hành.

Nhưng mà, trả lời câu hỏi này không dễ dàng chút nào!

Đức Trưởng Lão giảng quá cô đọng, bởi vì Ngài giảng là giảng cho thánh nhân.

Bây giờ, đem lời đức Trưởng Lão dạy cho thánh nhân, mà giảng thấp xuống cho Phật tử cùng hiểu, thầy Thanh Thiện chỉ hy vọng rằng giúp cho Phật tử hiểu được chừng nào hay chừng đó vậy nhé!

Câu hỏi:

Bạch thầy, chúng con cám ơn thầy đã cho biết được TÂM là gì?

Gần 10 năm đến chùa nghe các giảng sư dạy TÂM THỨC, chúng con thường nghĩ rằng tâm có thần thức, biết suy nghĩ và lựa chọn. Và TÂM LINH, chúng con lại nghĩ tâm có linh ứng, có linh hồn.

Trong khi đó, thầy Thanh Thiện giảng quá rõ ràng rằng: Tâm như con nít. Tâm chỉ biết đòi hỏi được hưởng lạc, sướng thân, và do tưởng thức thỏa mãn tham dục cho tâm.

Tưởng thức giống như nịnh thần, chỉ biết phụng dưỡng thỏa mãn tham vọng, tham dục cho vua. Tưởng thức có khuynh hướng thỏa mãn tham dục cho tâm. Còn ý thức thì có khuynh hướng hướng thượng. Tâm không ưa thích ý thức.

Quả đúng quá thầy ơi!

Tâm con lúc nào cũng muốn sướng, muốn vang danh nhiều người biết đến, muốn tiền nhiều, muốn sắc đẹp, muốn ăn ngon, muốn ngủ êm ấm, hả dạ, sướng lòng.

Còn ý thức thì con muốn làm người tốt, nhưng con làm không được. Bởi vì con thích sướng và làm biếng nhiều hơn.

Cám ơn thầy, nhờ thầy mà chúng con hiểu được tâm rồi thầy ạ!

Nhưng, có điều, chúng con chưa hiểu rõ được ta là ai?

Theo đức Trưởng Lão Thông Lạc thì Ngài dạy: Ta là nghiệp lực qua THÂN – MIỆNG – Ý tạo thành, trôi lăn trong thế gian.

Chúng con chưa hiểu. Chúng con rất mơ hồ!

Thầy Thanh Thiện thì dạy rằng: Hãy phân biệt cho được TA và TÂM khi tu tập, cho tâm quen thuộc. Tâm như con nít, tập cho tâm giống như tập cho bé mới biết đi.

Chứ không phải tập cho ta. Tập cho ta là tập cho xong việc. Còn tập cho TÂM là tu hành, là tập từ từ cho tâm quen.

Tâm đã quen thói hư tật xấu từ mới sinh cho đến tuổi trưởng thành. Thói quen này khó bỏ được.

Vì vậy, phải tập cho tâm quen bỏ thói hư tật xấu, và về sống trong thiện pháp bằng pháp Như Lý Tác Ý Phật trao cho, để dùng làm dây cương huấn luyện tâm như nài dùng dây cương huấn luyện ngựa vậy.

Đồng thời, phải huấn luyện tâm trong tinh thần thiện pháp. Tức là: Không làm khổ ta, không làm khổ người, và không làm khổ chúng sanh.

Thưa thầy, nhờ thầy hướng dẫn, chúng con hiểu được TA và TÂM. Nhưng mà, chúng con vẫn chưa hiểu rõ được TA LÀ AI? Còn mơ hồ lắm, thưa thầy.

Kính mong thầy giảng rõ cho chúng con hiểu được không ạ? Thành kính cám ơn thầy.

TRẢ LỜI:

Các con hiểu rõ tâm là gì rồi. Tâm không có tâm thức. Bởi vì tâm không biết suy nghĩ, không biết lựa chọn.

Tâm như con nít, chỉ biết đòi vui sướng mà thôi. Bé thấy lửa đẹp thì thò tay bốc! Tâm thích á phiện thơm ngon thì đòi hút đến ghiền! Tâm không có trí nhớ. Tâm chỉ quen tính thích ham vui.

Bé cũng chưa có trí nhớ. Ngày hôm qua bốc lửa bị phỏng còn đau… Ngày hôm sau, giơ tay chụp bóng đèn cầy nóng hổi!

Đây là bài học thầy Thanh Thiện thỉnh cầu quý giảng sư dạy sai cho Phật tử nên từ bỏ đi nhé.

  • Nếu tâm có tâm thức, thì tâm biết lựa chọn tốt xấu. Như vậy, đến lúc nào đó tâm tự chọn tốt, thì ta đâu cần phải đi tu!
  • Nếu tâm có tâm linh, tức là tâm có ý thức, tức là tâm có trí nhớ. Được vậy thì ta tu hành quá dễ. Bởi vì tu hành là để không còn niệm khởi. Nếu tâm có trí nhớ thì ta chỉ không dùng đến một thời gian là tâm quên hết rồi, tức là ta không còn niệm khởi nữa! Như vậy, đi tu dễ quá, phải không nào? Đi tu đâu có đơn giản như vậy được!

Chính vì tâm đã quen thuộc thói hư tật xấu, không thể nào bỏ liền được, vì vậy ta mới tu tập luôn luôn, thường xuyên và trường kỳ, để từ từ dẫn dắt tâm vào thiện pháp và từ từ tránh xa ác pháp. Tu không vất vả như trèo núi, lội sông, băng rừng, vượt biển… Nhưng mà khó vô cùng!

Ta không thể nào từ giã được thói quen tham dục bao vây, mời mọc, dẫn dụ…

Chúng mạnh hơn dòng thác (bộc lưu) từ trên cao liên tục trút xuống, lôi kéo thân tâm ta vào mê hồn trận, hưởng lạc trần gian!

Đã hiểu được tâm rồi!

Bây giờ các con cùng thắc mắc: TA LÀ AI?

Phật dạy: Thân ngũ uẩn này không phải là ta, không phải là của ta, không phải là bản ngã của ta. Tất cả trên người ta, không phải là của ta.

Vậy TA LÀ AI chứ?

Chắc quý Phật tử đều hiểu bản ngã là gì, phải không nào?

Thầy nhắc lại: Bất cứ cái gì, điều gì, vốn nó không phải là của ta, mà ta tranh giành, nhận cho được về cho ta, thì đó là bản ngã. Nhà của ta, chùa của ta, tiền của ta, chủ nghĩa của ta, thân của ta… đó là bản ngã của ta đấy nhé.

Trước khi trả lời TA LÀ AI?, thầy đưa ra một vài dữ kiện để các con có khái niệm nhé:

1. 5 tưởng dục tham, sân, si, mạn, nghi

Tất cả đều là vô hình, nhưng các con cảm nhận được sự hiện diện của chúng, phải không nào?

2. 5 tham dục: danh, tài, sắc, ăn, ngủ – có thứ có sắc, nhìn thấy được, như ăn, như tài, như sắc; và có thứ vô hình, như ngủ, như danh.

Nhưng các con nhận diện rõ ràng ngay sự hiện diện của chúng, phải không nào?

Ngủ, thì con nhắm mắt ngủ, chứ con có thấy con ngủ như thế nào đâu?

Danh, tên con là Cẩm Thúy, chứ con đâu có thấy thế nào là tên “Cẩm Thúy” đâu?

Đối với con rõ ràng là vô hình, nhưng con cảm nhận biết được, phải không nào?

3. Cây có hạt giống.

Môi trường để hạt giống nảy nở, phát triển là đất ẩm nước. Nơi đó, có khi chỉ có một hạt giống, và có khi có nhiều hạt giống cùng nảy nở.

4. Các loài động vật đều có hạt giống của nó.

5. Con người cũng có hạt giống của mình.

Đó là NGHIỆP LỰC, được vun bồi qua THÂN – MIỆNG – Ý, do thiện ác của ý nghĩ, do thiện ác của “búa trong miệng”, và do thiện ác của hành động ta tạo thành.

Hạt giống này vô hình, và nhỏ xíu như hạt bụi trôi lăn trong không gian, nhưng nó có sức chứa khủng khiếp.

Giống như con CHIP trong computer vậy. Con CHIP trong computer nhỏ bằng 2 lóng tay, bên trong ta có biết được gì đâu? Vậy mà nó chứa hết hồ sơ của Bộ Quốc Phòng!

6. Môi trường để TA (hạt giống) đến phát triển là sự giao hợp đực cái.

Nếu nghiệp lực ta tốt, thì ta đến với người. Nếu nghiệp lực ta xấu, thì ta rơi vào loài vật.

7. Sự thành hình của TA như thế nào?

  • Khi ta (hạt giống) chui vào đúng lúc sự giao hợp đực cái, thì môi trường xuất tinh đực cái có đầy đủ vật liệu, giúp ta mượn đó bao bọc, giúp ta nảy mầm và trưởng thành. Nơi ta đến nương tựa, có khi chỉ một mình ta. Có lúc, có nhiều người cùng đến nương nhờ, như sinh đôi, sinh 12 đó vậy.
  • Đại để cho dễ hiểu: Giống như ta muốn cất cái nhà, thì ta lấy tất cả những vật liệu hiện có trong thế gian và ta làm nên cái nhà. Những vật liệu riêng biệt thì không thành cái nhà, nhưng ta biết tập trung và kiến tạo thành cái nhà, thì đó là cái nhà.
  • Tương tự như vậy, tinh trùng đực cái và bào thai của mẹ là nơi ta trú thân, nảy mầm và trưởng thành.
  • Khi ta trú thân và nảy mầm, thì 5 tham dục, 5 tưởng dục bu lại, và tứ đại (nước, không khí, lửa, đất), cùng 5 uẩn, đến nuôi nấng ta lớn lên. Cho đến khi ta chết, thì tất cả trả về lại cho thế gian.

Các con hiểu rộng ra một chút: đất, nước, không khí, lửa ở đây có tất cả những gì hiện diện trên thế gian, như sắt, đồng, chì, vàng, bạc, dầu, mỡ…

Trong mỗi người đều có cả. Có người nhiều thứ này thì ít thứ kia. Có người nhiều vàng lại ít cẩm thạch. Có người nhiều hột xoàn thì ít mỡ…

8) Phật có dạy rằng:

Khi ta chết đi thì không còn một thức nào cả. Nếu có còn tí thức nào, thì đạo Phật không ra đời!

Có nghĩa là: thân 5 uẩn đều tan biến. Sắc uẩn trả về sắc uẩn. Thọ, tưởng, hành, thức, đâu trả về đó.

Đại để như nhà dỡ ra, thì thứ gì về thứ đó: Ngói về ngói, xi măng về xi măng, gỗ về gỗ, sắt về sắt, cát về cát…

9) Ta đi tái sanh có 2 phần rất quan trọng cần phải biết:

a) Nếu ta gây nhân ác nhiều quá, thì ta phân ra làm nhiều nhân xấu, và đầu thai làm nhiều người, và làm nhiều động vật để đi trả nghiệp (luật nhân quả).

Đức Trưởng Lão có lưu ý rằng: Coi chừng ta ăn mạng động vật của chính ta và những người thân của ta.

Thầy Thanh Thiện thì khám phá ra rằng: Ăn mạng động vật là đầu độc độc tố bản tính loài vật man rợ vào người đấy ạ. Cho nên, càng già càng mang nhiều bệnh, và bộc lộ bản tính loài vật!

Tại sao một người lại phân ra được nhiều người như vậy chứ?

Các con làm quen với những sinh viên khoa học, họ sẽ giải thích cho con về vi trùng học. Có nhiều loại vi trùng, tự nó tách làm 2 vi trùng, rồi mỗi vi trùng tự tách làm 2 vi trùng nữa… Bởi vì, mỗi một nhân là có một vi trùng.

Tương tự như vậy, con người dã tâm, ác độc, thường gây nhiều nhân xấu. Mỗi nhân phải tự thành hình mà đi trả nghiệp đấy nhé.

Đức Trưởng Lão Thông Lạc có giải thích rõ ràng về CHÙM NHÂN QUẢ!

Trường hợp ta gây ra nhiều nhân xấu, có cải nghiệp được không?

Có. Nếu ta hướng tâm tu hành đúng pháp Phật, và nguyện sống trong thiện pháp, thì ta được cải nghiệp. Nhân xấu sẽ tiêu tán lần lần, đưa ta trở lại đầu thai làm một con người.

Những ai từng sống trong thiện pháp, tâm an vui, thì tự nhận biết ngay, có nhiều duyên tốt đẹp luôn tới với ta, phải không nào?

Còn những ai sống trong ích kỷ, hẹp hòi, tự nhiên gặp nhiều duyên xấu, khiến bực mình, cau có, ganh ghét… khiến ta khổ đau nhiều hơn, phải không nào?

b) Những ai đã gây được nghiệp tốt, tức là gây ra nhiều nhân tốt, thì không có chuyện phân ra đi đầu thai làm nhiều người tốt để hưởng nhiều phước đâu nhé. Mà tập trung nhân tốt làm một NHÂN, để được làm người siêu nhân khả ái.

Người siêu nhân này, nếu biết tu hành đúng pháp Phật, thì sẽ trở thành thánh nhân, chứng quả A-la-hán đó vậy.

Tóm lại: TA LÀ AI?

Ta là hạt giống vô hình, là nghiệp lực được vun bồi qua thân – miệng – ý mà ta đã tạo thành, để rồi khi tái sanh, ta trở thành động vật hay là người. Nghiệp lực TA, hạt giống TA là vô hình, nhưng chất chứa tất cả những gì ta đã tạo nên.

Ví như: Ta tu tập, ta học hành, ta làm việc… Nó luôn luôn dính chặt theo NGHIỆP LỰC, theo hạt giống vô hình của ta.

Cho nên, khi TA được tái sinh làm người, và TA tiếp tục triển khai những gì kiếp trước ta đã có, thì kiếp này phát triển mau lẹ và sáng ra.

Ví dụ:

  • Kiếp trước ta là bác sĩ đầy lương tâm, bây giờ nghề bác sĩ, ta mát tay, trị bá chứng cho bệnh nhân.
  • Kiếp trước ta tu lạc vào tưởng định, bây giờ ta là nhà ngoại cảm, nhà ảo thuật, nhà tướng số.
  • Kiếp trước ta là tên gian manh, bây giờ ta trở thành tên tuyệt phích giang hồ, qua mặt luật pháp nhiều lần.
    Nhưng rồi, cũng bị tay an ninh thiện nghệ tuyệt vời còng ta vào tù, để ta tự trả lời trước công lý!…

Có câu hỏi để các con tư duy giải trí nhé:

Trứng gà có trước hay con gà có trước? Làm sao biết? Khi trả lời thì nhớ kèm theo dẫn chứng nhé.

Đừng đoán kiểu trúng số, không trúng thì trật, không trật thì trúng, kỳ lắm đó ạ!

  Tổng khách đã truy cập
3274

Tin Mới Nhất

Video (Có bản English)

Bài giảng mồng một Tết nhâm dần - Thầy Thích Ca dạy tu hành

Phạm Quang Qúy: Nhận định rằng: Phật Thích Ca dạy ĐI NGƯỢC

Thầy Thanh Thiện đã tu tập như thế nào? Thầy Thích Ca dạy tu hành

Thầy Thích Ca dạy thân hành niệm - Thầy Thích Ca dạy tu hành

Fanpage