Cùng quý Phật tử thân thương, thương kính thầy Thông Lạc.
Khi quý vị gặp được chánh pháp, hầu hết đều ưu tư, lo lắng, suy nghĩ, đặt vấn đề đi tu quá sớm, rồi tự trách mình vô duyên, là thiếu phước, là không đủ sức, là làm biếng, là nặng nợ gia đình, là bị tham dục sai khiến, không thoát ra được…
“Thầy ơi thầy, nhờ thầy mà con nhìn thấy được chánh pháp, nhưng con còn nặng nợ quá, thầy à!”
Đây là căn bệnh lo ra không cần thiết. Nay thầy Thanh Thiện san sẻ cho quý Phật tử thân thương, thương kính thầy Thông Lạc nhé.
Trước hết, thầy kể chuyện về thầy, nhưng chắc chắn, nó giống giống quý Phật tử vậy.
Trước khi biết chánh Phật pháp, thầy cũng biết rằng ăn mạng động vật là sai! Nhưng thầy không thể nào ăn chay được! Cứ mỗi lần ăn chay thì bụng cồn cào, mau đói, lòng bất an! Vào Mồng Một và Rằm, ăn chay theo gia đình quả là cực hình đối với thầy!
Thầy thường ngủ 10 giờ để dậy 4 giờ. Nhưng ngày ăn chay thì thầy phải ráng đợi đến 12 giờ, PHẬT NGỦ! Rồi chạy ra bùng binh ăn nhậu thì lòng mới an!
Nhưng từ khi biết chánh Phật pháp và biết pháp như lý tác ý, thì thầy ăn chay dễ dàng. Không những thế, thầy gớm ghiếc ăn mạng động vật.
Tại sao thầy tài tình đến vậy chứ?
1. Ăn chay:
Ta đã ăn mạng động vật từ nhỏ quen rồi. Bây giờ ăn chay không được, rồi tự trách mình yếu hèn! Vô ích thôi nhé!
Tự trách để đầu hàng, thua cuộc thì đừng nên tự trách! Tự trách để thấy mình sai mà học hỏi, tiến bộ mới là điều nên làm.
Bây giờ, việc mà ta nên làm là:
Dù ta đang sống trong thác loạn! Lúc đó, thầy đang sống trong loạn động, loạn tâm, loạn trí, loạn ăn nhậu, loạn dâm dục…
Nhưng thầy vẫn luôn luôn hướng tâm và tư duy. Trước khi ăn, thầy thay đổi các câu thầy ghi sau đây và tự nói rằng:
- Tại sao mình phải ăn động vật nhỉ? Mình nên ăn chay thì hay hơn.
- Đồ ta ăn, tất cả phát xuất từ phân bùn dơ bẩn mà! (Nhìn cây xanh tươi, hoa thơm, trái ngon ngọt, phát xuất từ phân bùn dơ bẩn).
- Vua ăn phân Trạng Quỳnh! (Thời xưa, Trạng Quỳnh dùng phân mình săn sóc cải bẹ xanh, rồi dâng vua ăn. Vua khen ngon quá!).
- Tất cả đồ ăn đều là bột. (Rõ ràng, nghiền nát thành bột, nhai nát thành bột).
- Ăn mạng động vật gớm ghiếc quá!
Hằng ngày, hằng đêm, lúc nào rảnh, cứ tư duy như vậy.
Sau một thời gian, những tư duy của mình đã thấm đượm tâm ta, và tâm ta quen thuộc. Tự nhiên, khi ta muốn ăn chay là ăn được liền và ăn rất ngon. Và không còn thích ăn mạng động vật nữa.
Điều quan trọng cần ghi nhớ:
Đừng bao giờ đặt vấn đề là: tác ý như vậy thì chừng nào ta ăn chay được? Hoặc là tự hứa sẽ ăn chay.
Cứ tác ý như vậy hoài cho tâm quen thuộc và chờ duyên đến.
- Thế nào là duyên đến?
- Mỗi người đều có cơ duyên đến với mình, không sớm thì muộn, và đến rất tự nhiên.
Ví dụ, tự nhiên có người đến với mình và nói:
“Hôm nay tôi có hẹn, anh, chị ăn giúp phần cơm này nhé? Bỏ, tôi sợ mang tội quá!”
Hoặc là đang đi tìm tiệm cơm ăn, tình cờ trước mặt có tiệm chay. Hoặc là có một ngày ta về thăm nhà, đúng bữa gia đình đang ăn chay. Ta ăn và ta cảm thấy ngon quá! Và lòng bình an quá vậy?
Thế là, từ sự ngạc nhiên, đưa ta đến quyết định ăn chay, và rồi ta ăn chay trường. Sau một tuần, tự nhiên ta gớm ghiếc ăn mạng động vật và cảm thấy mình an vui hơn những người đang ăn mạng động vật. Mình không còn chảy nước miếng khi thấy người ta ăn mạng động vật nữa! Rất tự nhiên và rất tự nhiên!
- Tại sao tài tình quá vậy?
- Tại vì sau thời gian ta tác ý, tâm ta đã thấm đượm ước muốn của ta, và tâm đã quen mất rồi. Cho nên, ta ăn chay dễ dàng mà thôi!
- Tại sao tâm thấm đượm, tâm quen rồi thì ta ăn chay dễ vậy?
- Rõ ràng ràng, tâm như con nít. Con nít, ta dạy sao thì nó làm vậy. Nghĩa là nó sẵn sàng chiều theo ý của ta, ta cho gì nó ăn nấy, ta thấy an lòng. Nếu nó không chịu theo ý ta thì ta bực mình, phải không nào?
Tâm cũng vậy, khi tâm bằng lòng thi hành theo ý ta, thì ta cảm thấy thoải mái vô cùng! Nhờ vì không còn có cản trở, chống đối trong lòng ta, khiến ta cảm thấy thư thái, bình an.
- Tại sao tâm quen tính ăn mạng động vật, lại chịu chiều theo ta ăn chay chứ?
- Đây mới là vấn đề vô cùng quan trọng! Nếu thầy Thanh Thiện tu tập chưa đạt thành, thì không thể nào khám phá ra được để giải thích rõ ràng đến quý Phật tử đâu à!
Nguyên nhân là tâm đã bị bao phủ bởi hình ảnh thức ăn mạng động vật quen rồi. Nếu ta ăn thức ăn khác, dù ngon hơn, tâm vẫn không đón nhận, tâm làm cho ta khó chịu!
Chẳng hạn, ta ăn đồ Việt với nước mắm quen rồi. Bây giờ, dù ta ăn đồ Mỹ, đồ Tàu, đồ Pháp… dù là cực phẩm trần gian, dù ta cảm nhận ngon thật, nhưng tâm vẫn cằn nhằn, không chịu tiếp nhận, khiến ta cảm thấy sao sao trong người! Có đúng vậy không?
- Nhưng khi dùng pháp như lý tác ý, thì ta ăn chay mà cảm thấy ngon tuyệt và được bình an vậy chứ?
- Phật dạy quả không sai chút nào!
Tại vì khi ta dùng như lý tác ý thường xuyên, tức là ta đuổi được hình ảnh ăn mạng động vật ra khỏi tâm, và ta làm cho tâm gớm ghiếc, không thích ăn mạng động vật nữa. Ồ! Quá đơn giản! Nhờ đó, ta ăn chay dễ dàng mà thôi.
Để trắc nghiệm với bé 5 tuổi:
Bà mẹ muốn cháu bỏ món ăn hằng ngày mà nó ưa thích. Bà bảo con rằng: “Con à, món này đừng ăn nữa, bệnh đó con.”
Bà dỗ dành nó vài lần, cho đến khi nó đồng ý. Rồi thì bà đưa cho nó ăn món khác mà bà đã cho nó biết, thì bé ăn rất ngon và vui vẻ ngay.
Tâm cũng vậy! Khi mình xua đuổi hình ảnh ăn mạng động vật gớm ghiếc, khi tâm thấm đượm quen rồi, ta ăn chay là cảm nhận ngon và an vui mà thôi nhé. Nhờ đó, thầy ăn chay dễ dàng, thầy không còn thèm ăn mạng động vật nữa, thầy bỏ ngay bia, rượu. Và tiếp theo đó, tâm thầy chớm nở từ bi!
2. Tập ăn mỗi ngày một bữa:
Cũng phải tác ý như ăn chay: “Ta muốn ăn ngày một bữa thôi.”
Khi tâm thấm đượm quen rồi, duyên đến, ta ăn một bữa là được thôi. Nhớ là tập ăn từng bữa cho quen, đừng có gấp. Khi quen rồi thì giảm dần, cho đến khi còn một bữa.
Tập từ từ, đừng để bị bệnh là hư chuyện đấy!
Trước giờ ăn, nên tìm việc gì làm như đi kinh hành, tản bộ, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách… để ta đừng nghĩ đến ăn. Trước giờ ăn, nếu thấy đói, tác ý ngay: “ĐÓI CHẾT TAO CŨNG KHÔNG ĂN.”
Thế là ta hết đói liền! Đói này là do ta nghĩ đến ăn, rồi tâm đòi ăn, chứ thực sự ta chưa đói đâu nhé!
3. Sống độc cư:
Ta tỏ ý: “Thôi, ta muốn chơi mình ta, không phiền ai cả.”
Ta tự nhốt trong phòng mỗi ngày một giờ, không làm gì cả, không nghe, không biết gì cả, không tiếp chuyện với ai. Phải nhớ tác ý nhắc nhở tâm cho quen nhé. Khi tâm quen rồi, ta tự tăng thời gian lên. Khi ta tăng được từ 3 tháng đến 6 tháng, thì đủ để ta nhập dòng Thánh tu hành mà không sợ cô đơn nữa.
4. MUỐN ĐI TU:
Mỗi ngày hướng tâm và tác ý: “Ta muốn đi tu!”
Cứ nói lảm nhảm một mình, nói mãi cho quen. Khi tâm thấm đượm và quen thuộc, việc thực hiện tu hành các pháp căn bản sẽ dễ dàng. Đừng bao giờ nghĩ: “Ta đi tu.” Mà chỉ nghĩ: “Ta muốn đi tu.”
Có nghĩa là ta chỉ muốn thôi! Khi tâm thấm đượm, quen thuộc ước muốn của ta, thì tâm sẽ thúc đẩy ta đi tu thoải mái, bình an.
5. Phật phán rằng:
“Đừng bao giờ tin ta, mà hãy lấy pháp ta tu tập rồi hãy tin!”
Nay thầy Thanh Thiện học theo Phật mà thưa rằng: Tuyệt đối không tin vào Thanh Thiện, mà hãy lấy pháp Phật tự tu tập, thể nghiệm trên thân tâm, thì sẽ thấy kết quả đúng lời Phật dạy.
6. Cuối cùng:
Thầy là tỳ kheo, thầy tu tập đúng theo lời dạy của Đức Trưởng Lão diễn giảng mà thành đạt, đã được thể nghiệm trên thân tâm thầy rõ ràng ràng.
Nay thầy san sẻ đến cùng quý Phật tử. Nhưng, quý Phật tử đừng bao giờ tin thầy Thanh Thiện nhé! Mà hãy tin tưởng vào Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc, hãy đọc kinh sách của Ngài để an tâm, tinh tấn tu hành, ngõ hầu tiến đến chứng đạt như ý.
Nhớ:
Đừng hối thúc! Đừng lo âu! Đừng bồn chồn mong đợi!
Chuyện đến, tất nó phải đến! Khi ta tác ý, tâm quen thuộc rồi, tự nhiên duyên xảy đến cho ta, rồi ta hãy thực hiện điều ta đang mong ước nhé!