vi en

6 PHÁP HÀNH CĂN BẢN

1. Ngồi kiết già lưng thẳng

Đối với người chưa biết, chỉ ngồi 1 phút thôi.
Người lớn tuổi có thể dựa lưng vào tường. Nếu ai không thể vắt chéo 2 chân vào nhau thì có thể tập theo các bước:

  • Hành giả ngồi trên cục gạch, rồi đè 2 đầu gối xuống sát sàn cho quen. Quen rồi thì bỏ gạch.
  • Hành giả ngồi bán già, một chân gác lên đùi. Chân trái trước hay phải là do sở thích của hành giả. Quen rồi, hành giả đổi chân. Khi ngồi bán già quen rồi, hành giả bắt đầu tập ngồi kiết già nhé.
  • Nhớ rằng, khi ngồi kiết già bẻ chân lên đau lắm. Nhưng, với thời gian 1 phút ta chịu được. Chịu đựng dần thành quen, và sau 1 phút, hành giả khắc phục, không còn đau nữa. Rồi tăng dần lên từng phút, tăng mãi, ngồi 8 giờ liền không bị đau hay ê chân nữa. Bấy giờ, ngồi ngày đêm vẫn bình an.

Khi bắt đầu ngồi, nhớ tác ý:

“Ngồi kiết già lưng thẳng, ta biết ta đang ngồi kiết già lưng thẳng, quán ly tham, quán ly sân, quán ly si.”

Khi chấm dứt ngồi, tác ý:

“Ngừng, ta biết ta đang ngừng, quán ly tham, quán ly sân, quán ly si.”

Những ai đã ngồi được rồi thì cứ ngồi bình thường. Tay để sao cũng được, miễn là thoải mái.

Mới tu tập ngồi kiết già lưng thẳng, đừng nhắm mắt. Nhắm mắt sẽ rơi vào tưởng và sẽ trở thành tu ngủ nhé. Cứ mở mắt bình thường, nhìn đúng vào một điểm nào đó hợp với tầm mắt của ta. Đừng nghĩ ngợi gì cả. Đừng đảo mắt nhìn tùm lum.

Lúc đầu, ta tu tập nhằm mục đích ngồi cho tâm quen, để không còn cảm thọ đau chân. Dù sau này ta ngồi 8 giờ hay hơn, vẫn không bị tê chân nhé. Sau khi ngồi tâm quen, lúc bấy giờ, ta phối hợp tu tập tất cả các pháp mà ta muốn.

Ta vừa ngồi kiết già lưng thẳng, vừa tu định niệm hơi thở, như lý tác ý, định sáng suốt… Muốn tu pháp nào tùy ý nhé.

2. Độc cư

Độc cư chính là để làm quen 6 căn không bị 6 trần lôi kéo, quyến rũ. Hành giả cần nên biết: Độc cư ở đây là TÂM ĐỘC CƯ, chứ không phải cảnh độc cư.

Tuy ta ở một mình, nhưng ta còn độc thoại, tâm ta hướng ra ngoài, thì chưa phải là độc cư.

Cách thực hành:

Mỗi lần ngồi ở trong phòng kín 10 phút, không tiếp chuyện, không nghe, không biết, không nhìn, không nghĩ gì cả.

Cho dù bên ngoài đang có chuyện gì xảy ra, mặc kệ, ta không cần biết.

Khi bắt đầu, tác ý:

“Độc cư, ta biết ta đang độc cư, quán ly tham, quán ly sân, quán ly si.”

Hết giờ, tác ý:

“Ngừng, ta biết ta đang ngừng, quán ly tham, quán ly sân, quán ly si.”

Lúc đầu khó lắm, không yên tâm chút nào! Tâm cứ mãi dao động. Một thời gian rất lâu, tâm quen rồi, bấy giờ tăng dần thời gian lên: 15 phút, 20 phút, 30 phút…

Mãi ở yên trong phòng, không tiếp xúc nói chuyện với ai. Đến khi được hơn 6 tháng, là sống độc cư dễ dàng rồi.

Để cột được mình ở yên một chỗ, hành giả có thể coi tivi, nghe nhạc… Nhưng nhớ: coi để mà coi, nghe để mà nghe. Hành giả luôn chú ý vào điều ta tu tập để tâm quen.

Đừng chú ý vào tivi nhé! Nếu chú ý vào tivi thì tâm ghiền tivi, ghiền nhạc là việc tu tập bất thành.

Sau thời gian ta cột ta được rồi, bây giờ ta từ bỏ coi tivi, hay nghe nhạc, hay chơi game, và đưa tâm chú ý vào việc tu tập cho tâm quen thuộc pháp Phật.

Nhớ tập cho tâm quen thuộc tự nhiên, thong thả.

ĐỪNG ĐỂ BỊ RƠI VÀO ỨC CHẾ TÂM NHÉ.

3. Định niệm hơi thở

Xem bài viết Một pháp tu – tu một pháp”.

Lúc đầu chưa quen, TA CHỈ COI CHỪNG NHÂN TRUNG THÔI. Ta không quan tâm theo dõi hơi thở nhé. Một thời gian sau mới quen. Khi quen rồi, lúc ta thở, ta cảm giác rõ ràng hơi thở đang ra vào nơi nhân trung.

Nếu lúc đầu khó cảm nhận thấy nhân trung, hành giả có thể đặt 1 ngón tay vào nhân trung và cảm nhận. Khi cảm nhận quen rồi thì không đặt tay lên nữa. Tu theo chánh pháp không gò bó, không đặt thành vấn đề.

Tu theo chánh Phật pháp là để tự nhiên, rất tự nhiên. Hãy thả lỏng để tâm hồn ta được thảnh thơi, an nhàn.

Tuyệt đối không gò bó, không lo âu gì cả. Có vậy, tâm mới thoải mái, chấp nhận và vui vẻ theo ta.

4. Đi kinh hành đường dài

Xem bài viết “Đi kinh hành đường dài“.

5. Định sáng suốt

Sau mỗi lần tu tập, ví dụ đi kinh hành đường dài, hành giả ngừng nghỉ. Đừng suy nghĩ, đừng vận động gì cả.
Ngồi yên, tập bất động 1 phút. Không cần ngồi kiết già, ngồi được thì tốt hơn.

Khi bắt đầu, tác ý:

“Định sáng suốt, ta đang tu tập định sáng suốt, quán ly tham, quán ly sân, quán ly si.”

Hết giờ, tác ý:

“Ngừng, ta biết ta đang ngừng, quán ly tham, quán ly sân, quán ly si.”

Tại sao tập định sáng suốt sau mỗi lần tu tập?

Vì sau khi tu tập xong rồi, ta phải giữ bình yên cho TÂM thẩm thấu. Tâm cần thời gian để ghi nhớ bài tu tập. Và trong lúc tu tập, có định lực phát sinh, cần phải yên lặng để định lực tích lũy vào cơ thể ta.

Pháp tu này rất khó, tại vì: làm sao trí ta không suy nghĩ? Làm sao thân ta không cử động, khi ta là người hoạt động?

Cho nên, ta tập từ 1 phút cho tâm quen. Khi tâm quen rồi, tăng dần lên thì không bị ức chế tâm!

Nói rõ ràng hơn: Định sáng suốt chính là toàn thân buông lỏng và chỉ có thở.

Nếu hành giả tu tập đạt được mỗi ngày 1 giờ, thì niềm vui chứng đạo xuất hiện trước mặt.

6. Ăn chay mỗi ngày một bữa

a) Trước hết, hành giả tập ăn chay cho được.

Từ nhỏ đến lớn, ta ăn mạng động vật, tâm đã quen, không thể nào bỏ được. Ta ăn bất cứ gì lạ, tâm đều từ chối và tạo cho ta trạng thái bất an, xốn xang, lừ đừ, nghĩ quẩn.

Ví như hành giả ăn cơm nước mắm quen rồi, bây giờ hành giả ăn cơm với xì dầu cũng cảm thấy khó chịu.

Hành giả làm đúng lời Thầy dạy, sau 3 tháng là hành giả ăn chay rất ngon và không còn ham ăn mạng động vật nữa. Từ đó, tự nhiên hành giả chớm nở tâm từ bi thương yêu tha thứ, tính tình bắt đầu trở nên hiền hòa, dễ thương.

Hằng ngày, hằng đêm, bất cứ lúc nào, hành giả luôn luôn, thường xuyên và trường kỳ tác ý: “Ta muốn ăn chay.”

Rồi suy tư:

  • “Họ cũng muốn sống như ta mà.”
  • Hoặc “Ăn chay là thuốc bổ.”
  • Hoặc “Ăn mạng động vật dã man, tàn nhẫn, gớm ghiếc, hôi tanh quá.”

Thầy chỉ gợi ý, hành giả phải tự sáng tác cho phù hợp với tâm mình, thì tâm mới hứng chí chấp nhận. Sau thời gian tâm thấm được câu tác ý này, rồi một lúc nào đó, hành giả nổi hứng ăn chay.

Hành giả sẽ ngạc nhiên rằng: Sao mình ăn chay ngon vậy? Hành giả sẽ không còn xốn xang, khó chịu.

Vài tuần sau, tâm quen rồi, tự động hành giả không còn thích ăn mạng động vật nữa. Bấy giờ, hành giả cảm thấy gớm ghiếc khi nhìn thấy những người ăn mạng động vật.

Ghi nhớ: Hành giả cứ ăn bình thường như mọi ngày và phải tác ý cho đến khi tâm nghe quen thuộc.
Lúc bấy giờ, hành giả ăn chay mới có hiệu nghiệm dài lâu nhé.

b) Khi ăn chay được rồi, hành giả tác ý giảm dần từng bữa ăn.

Chỉ cần tác ý luôn luôn, thường xuyên và trường kỳ cho tâm quen thuộc. Khi tâm quen thuộc rồi, thì ta thực hiện ly từng bữa, và ăn mỗi ngày một bữa dễ dàng mà thôi.

CẦN NHỚ: Tác ý dễ nhàm chán, nhưng ta phải làm, vì đó là điều ta nhắc nhở cho tâm quen thuộc. Khi tâm quen thuộc lệnh của ta rồi, lúc đó ta mới ngạc nhiên: TA ĐÃ LÀM CHỦ ĐƯỢC TÂM RỒI!

Giả sử hành giả đang ăn 4 bữa mỗi ngày. Cứ tiếp tục ăn 4 bữa như bình thường, nhưng hành giả luôn luôn tác ý: “Ta muốn ăn ngày 3 bữa.”

Sau vài tháng tâm nghe quen lời tác ý, hành giả bắt đầu bỏ một bữa, còn ăn ngày 3 bữa. Bỏ bữa nào là tùy hoàn cảnh riêng của mỗi người.

Trong thời gian tu tập, nếu ta bỏ bữa ăn mà cảm thấy xốn xang khó chịu, thì ta có quyền ăn dặm trái cây hay bánh. Xong rồi, ta tác ý bỏ ăn dặm. Khi ta bỏ ăn dặm, là ta đã tu tập được rồi.

Sau vài tháng mà cảm thấy ăn 3 bữa bình an (nếu chưa bình an thì chờ thêm, không khó chịu gì cả), thì tác ý: “Ta muốn ăn ngày 2 bữa.”

Cứ vậy, ta giảm dần xuống, cho đến khi còn ăn ngày 1 bữa. Ta chọn thời gian thích hợp cho mình và luôn luôn ăn đúng giờ đó, không bắt buộc phải là 12 giờ trưa.

Khi tu tập ăn mỗi ngày một bữa, khát nước ta cứ uống, nhưng đừng lo. Bởi vì, khi ăn mỗi ngày một bữa thuần thục, thì tự nhiên nước miếng xuất hiện rất nhiều, giúp ta không còn khát nước nữa.

Khi tập ăn, luôn luôn tác ý: Tất cả đều là bột. Mình nhai kỹ, rõ ràng là bột, và có vị ngọt. Thế là ăn gì cũng ngon cả.

Tới giai đoạn này, hành giả sẽ thấy rõ: Mình không còn đói, không còn thèm ăn gì cả. Không còn nôn nao háo hức chờ giờ ăn là thành công.

Có nghĩa là: quá giờ mà mình vẫn chưa cảm thấy đói là thành công rồi!!!

Lúc bấy giờ, hành giả cảm thấy mình thánh thiện, mình không còn ham gì. Tuy không còn ham gì, nhưng mình rất an tâm, vui vẻ một mình. Nguyên lý của pháp Phật là mình chơi với mình và mình vui với mình.

Chính là lúc ta đang tiến đến ta chiến thắng ta đấy ạ. Rất tuyệt vời.

NHỮNG ĐIỀU CẦN GHI NHỚ

1. Trước khi tập pháp nào, ta phải tác ý, vừa khi ngưng, ta cũng phải tác ý.

Ví dụ, ta bắt đầu tu tập ngồi kiết già thì ta tác ý:
“Ta ngồi kiết già, quán ly tham, quán ly sân, quán ly si.”

Rồi ta ngồi đúng một phút, ta ngừng, ta cũng tác ý:
“Ta ngừng ngồi, quán ly tham, quán ly sân, quán ly si.”

Tác ý là ta tập cho tâm nghe quen thuộc mệnh lệnh của ta. Nhờ pháp như lý tác ý trở nên thiện xảo, ta điều khiển được tâm.

Có nghĩa là: ta tu tập từ từ để làm chủ được tâm.

2. Phải tu tập chính xác thời gian mà ta quy định.

Ví dụ: ta tập đi kinh hành đường dài 10 phút, thì hết 10 phút ta phải ngừng. Vì lúc đầu, với thời gian quá ngắn, cho nên ta có thể tu tập nhiều lần.

3. Phải tu tập hằng ngày, giống như ta tập thể dục.

Ta tu tập như chơi, đừng quan tâm, đừng lo lắng, đừng mong đợi gì cả. Hãy để tự nhiên, cho pháp Phật từ từ nhập tâm, khiến tâm thành thói quen không bỏ được.

Có nghĩa là: khi tu tập, ta chỉ chú ý vào cơ thể ta, ta nghiệm xem những gì xuất hiện trên thân ta, thân tâm ta biến thể như thế nào. Đây là bí quyết tu hành của chánh pháp.

Những vị lớn tuổi, đừng lo ngại gì, cứ tu tập. Đến lúc, tự nhiên đúng lúc, quý vị sẽ buông dễ dàng, không còn vương vấn gì cả. Buông đúng lúc chính là lúc quý vị đắc đạo đấy!

4. Khi tu tập, nếu có niệm khởi nổi lên, mặc kệ nó, làm lơ, đừng quan tâm đến.

Khi tu tập quen thì niệm khởi tự động biến.

Thông thường, khi ta tu tập, thân thể ta biến tướng và tâm trạng ta có nhiều thay đổi. Vì vậy, đừng lo ra gì cả, cứ tu tập. Khi quen rồi, thì mọi chuyện đâu cũng vào đấy nhé.

5. Điều cần biết là: hành giả tu tập cho tâm, vì vậy đừng quan tâm đến chuyện khác như ăn, mặc, ở, ngủ…

Khi tâm quen, tâm sáng, thì tâm sẽ thúc đẩy hành giả tinh tấn tu tập đến thành công. Giống y như ta tập nấu ăn, tập may vá, tập cắm hoa, tập khiêu vũ, tập chơi banh…

Lúc đầu, loạn cả lên. Sau thời gian quen việc, ta trở nên thiện xảo. Mọi việc đâu cũng vào đấy. Thèm ngủ cứ ngủ, thèm ăn cứ ăn… nhưng phải biết chừng mực, đừng để bị u mê, ghiền nghiện hết thuốc chữa!

6. Ta tu tập là huân tập cho tâm làm quen và nhớ.

Do đó, ta tu tập lúc đầu với thời gian rất ngắn. Khi tâm quen thuộc rồi, ta tăng từ từ thời gian lên. Cứ tà tà tập cho tâm quen, giống như ta tập cho trẻ con vừa chơi vừa học.

Tuyệt đối đừng bao giờ nôn nóng, vội vàng tăng quá nhanh mà hỏng việc. Cho đến khi mỗi pháp 1 giờ, và riêng độc cư phải 6 tháng liên tục. Khi đạt được điều này, thì đó là hành trang mà hành giả đã chuẩn bị chu đáo để gia nhập dòng thánh tu hành.

7. Sau khi ta tập quen được 6 pháp căn bản, bấy giờ ta phối hợp các pháp thành bài tu hành.

Cứ mỗi pháp tập hết giờ là ta phải nghỉ vài phút. Khi nghỉ, ta dùng định sáng suốt. Độc cư, phối hợp ngồi kiết già, phối hợp với định niệm hơi thở, phối hợp với đi kinh hành, phối hợp với định sáng suốt.

Sự phối hợp là do hành giả tự thiết kế theo tâm trạng của mình. Lúc đầu với thời gian ngắn, và quen rồi thì tăng dần thời gian, chiếm trọn thời gian của đời ta.

8. Khi như lý tác ý và 6 pháp cơ bản thuần thục rồi.

Và hành giả quyết định nhập dòng thánh tu hành chứng đạt chân lý, thì đọc kỹ 8 chánh đạo, 12 nhân duyên, 37 phẩm trợ đạo, kinh sách thầy Thông Lạc, kinh Nikaya để chọn một pháp thích hợp với mình, và chỉ một pháp mà thôi, rồi ôm pháp đó miên mật tu tập nhập tâm là chứng quả.

Đừng có lo, không phải đọc hết đâu nhé! Cứ đọc từ từ.

Đến một pháp nào đó, tự nhiên tâm ta nổi lên đòi và toàn thân rung động xôn xao rất kỳ diệu. Lúc đó, ta lấy pháp ấy ra tu, vì pháp đó hợp với đặc tướng của riêng ta!

  Tổng khách đã truy cập
2561

Tin Mới Nhất

Video (Có bản English)

Bài giảng mồng một Tết nhâm dần - Thầy Thích Ca dạy tu hành

Phạm Quang Qúy: Nhận định rằng: Phật Thích Ca dạy ĐI NGƯỢC

Thầy Thanh Thiện đã tu tập như thế nào? Thầy Thích Ca dạy tu hành

Thầy Thích Ca dạy thân hành niệm - Thầy Thích Ca dạy tu hành

Fanpage